GS Nguyễn Đăng Hưng (áo dài trắng) đọc diễn văn tưởng niệm Alexandre de Rhodes

Chiều 9/4, tại tòa soạn báo Tiền phong (Hà Nội) đã diễn ra buổi giới thiệu đoạn video dài hơn 20 phút, là tư liệu về chuyến đi Iran thăm mộ phần cha Alexandre de Rhodes – nhà truyền giáo có công lớn nhất trong việc tạo ra bộ chữ Quốc ngữ. Cùng với chiếu video, nhiều thành viên của chuyến đi cũng đã giao lưu với các nhà nghiên cứu, báo chí và công chúng quan tâm, trong đó có GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.

GS Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941 ở Quảng Nam. Ông từng có hơn 40 năm giảng dạy ở trường đại học Liege (Bỉ) và trở về Việt Nam sinh sống, giảng dạy từ năm 2006. Chia sẻ về lý do một nhà khoa học tự nhiên lại quan tâm đặc biệt đến chữ Quốc ngữ, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết, duyên cớ đó bắt đầu từ khi một vị giáo sư can thiệp vào chữ Quốc ngữ gây sốc lớn trong xã hội. Thay vì bày tỏ thái độ như nhiều cộng đồng mạng, ông quyết tâm bảo vệ chữ Quốc ngữ, vinh danh tiếng Việt, bắt đầu từ việc tôn vinh những người đã có công khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Sau khi ra Hà Nội gặp các nhân sĩ trí thức cùng chí hướng, ông quyết định đứng ra thành lập Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt (thuộc ĐH Duy Tân).

Tháng 5/2018, GS Nguyễn Đăng Hưng tìm đường bay sang Teheran (Iran), bắt đầu hành trình đi tìm ngôi mộ cổ của cha Alexandre de Rhodes, mất cách đây 359 năm. Nhờ học trò, những người bạn ở Iran và cả sự may mắn ngoài sức tưởng tượng, ông đã tìm được mộ phần của vị linh mục người Bồ Đào Nha tại nghĩa trang Armenia tại vùng ngoại ô Isfahan. Trên mộ đá còn ghi rõ dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ Linh mục Alexandre de Rhodes… Đã tạ thế tại Isfahan ngày 5 tháng 11 năm 1660”.

Ngày 5/11/2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của Alexandre de Rhodes, một nhóm 20 người Việt gồm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, hướng dẫn viên du lịch... đã sang Iran và đến làm lễ, đặt bia tri ân trên mộ phần giáo sĩ. Tham dự buổi lễ còn có nhiều quan chức Iran và Việt kiều.

GS Nguyễn Đăng Hưng bên mộ phần của cha Alexandre de Rhodes

Trong buổi lễ, GS Nguyễn Đăng Hưng đã xúc động phát biểu: “Hôm nay, chúng tôi, những người dân từ Việt Nam xa xôi, là nội trợ gia đình, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cổ học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương... Chúng tôi vượt không gian trên 6.000 km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của Ngài. Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng chữ Quốc ngữ mỗi ngày. Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá: “Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh”. Ngài đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa. Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi Ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân Ngài, đem đến cho Ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”.

GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết, dòng chữ trên tấm bia đá được viết bằng 4 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và Iran.

Tại buổi chiếu clip tư liệu, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền phong chia sẻ: Ngày 28/12/2018, truyền thông gần như lãng quên sự kiện kỷ niệm 100 năm vua Khải Định ra chiếu dừng dạy chữ Hán và công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam. Thời điểm này, báo Tiền phong đã đăng loạt bài Ngược nguồn chữ Việt dài 11 kỳ của nhà văn Hoàng Minh Tường – một trong những thành viên của đoàn người Việt sang viếng mộ Alexandre de Rhodes nhân dịp giỗ thứ 358 của ông.

GS Nguyễn Đăng Hưng và nhà văn Hoàng Minh Tường trong buổi giới thiệu video về chuyến đi tới Iran viếng mộ Alexandre de Rhodes

GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết thêm, chuyến đi tới Iran viếng mộ vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha là bước đầu tiên trong hành trình tôn vinh chữ Quốc ngữ của ông cùng các học giả, văn nghệ sĩ và những người yêu tiếng Việt. Trong năm nay, một cuộc hội thảo quốc tế về chữ Quốc ngữ và tiếng Việt sẽ được tổ chức tại ĐH Duy Tân. Tiếp đó, một không gian tri ân và tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại thành phố Hội An. Không gian này sẽ được phát động thiết kế, huy động vốn thực hiện từ các nhà tài trợ.

“Một doanh nhân đã tình nguyện hiến 5.000 mét vuông đất cho ý tưởng này. Không gian này nếu xây dựng được sẽ là một địa điểm tập hợp, trưng bày các tư liệu về quá trình hình thành, phát triển của chữ Quốc ngữ, vinh danh những người đã tạo ra nó, các nhà văn hóa, nhà yêu nước, nhà văn đã có công lớn trong việc phát triển và phổ biến nó. Không gian này còn tôn vinh tiếng Việt và văn hóa Việt Nam nói chung; là nơi để các nhà khoa học, những người đang học hành đến nghiên cứu chữ viết và tiếng Việt. Bên cạnh đó, nó cũng là nơi có thể tập hợp các sinh hoạt văn hóa liên quan đến Việt học, thu hút khách du lịch”, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết.


                                                                                                                                                      Theo phunuvietnam.vn