Phim 'Tình khúc Bạch Dương'

Tình khúc Bạch Dương do Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, lấy bối cảnh cuộc sống của lưu học sinh và những người lao động Việt Nam tại Liên Xô trải dài từ năm 1986 đến giữa thập niên 2010.


Bộ phim đã lên sóng ngày 25-1-2018, và hiện đã đến tập 26.

Phỏng theo tiểu thuyết Tình khúc Lavanda của nhóm sáng tác FBKN (nhóm của cựu sinh viên Khoa Nga trên FB), VFC đã mời những biên kịch có kinh nghiệm từng đi du học tại Nga những năm 1980 viết kịch bản Tình khúc Bạch Dương.

Một thành viên trong nhóm viết kịch bản Tình khúc Bạch Dương là bà Hải Anh đã viết trên trang cá nhân của mình, cho rằng Tình khúc Bạch Dương "đã làm sai lệch, bóp méo, khác xa đề cương và kịch bản mình viết".

Bà Hải Anh cho biết: "…đã dành một năm để viết đề cương kịch bản và viết 14 tập phim (phần 1) nhưng chỉ nhận được tiền thù lao cho phần đề cương. Còn hơn 400 trang kịch bản chi tiết viết sau chưa ký hợp đồng thì không được nghiệm thu do mình rút giữa chừng vì thấy các làm việc thiếu chuyên nghiệp của Hãng, thì lại được sử dụng như "chất liệu tham khảo" miễn phí cho những người sau viết!".

Bà Hải Anh tỏ ra rất thất vọng với cách bộ phim xây dựng nhân vật: "Hình bóng tiêu biểu của các bạn lưu học sinh ưu tú lứa mình được miêu tả như lũ đầu đường xó chợ, lừa thày phản bạn, hay ngu ngơ mờ nhạt, hay giảo hoạt tôm cá, nhăng cuội nhí nhố".

Nhiều hạt sạn về bối cảnh, và văn hóa của cộng đồng người Việt sinh sống tại Liên Xô những năm 1980 được chỉ ra, dù vậy có ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe vì "Liên Xô trong tâm trí người này khác với Liên Xô trong tâm trí người khác".

Tình khúc Bạch Dương ngay từ khi ra mắt đã gây tranh cãi, đặc biệt bị "soi" bởi những người đã có kinh nghiệm sống, làm việc và học tập ở Liên Xô nhưng vẫn có một bộ phận khán giả không có trải nghiệm tại Liên Xô chấp nhận thế giới trong phim.

Công bằng mà nói Tình khúc Bạch Dương chưa thực sự đáp ứng được kì vọng của khán giả. Đây mới chỉ là bộ phim lấy bối cảnh ở Nga (Liên Xô cũ), trong đó bối cảnh chỉ là hình thức, làm nền, chứ bản thân bối cảnh đó không phản ánh được đời sống một thời của cộng đồng người Việt tại Nga mà khán giả kì vọng.

Câu chuyện cốt lõi trong Tình khúc Bạch Dương vẫn chỉ là câu chuyện tình yêu tay tư, vốn dễ hư cấu hơn là phản ánh đời sống người Việt tại nước ngoài.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, biên kịch Hải Anh ban đầu đã tham gia viết kịch bản theo lời mời của VFC.

Tuy nhiên, khi nghiệm thu, VFC cho rằng kịch bản không đủ yêu cầu về mặt chất lượng, cũng như tiêu chí nội dung nên quyết định chỉ mua kịch bản đề cương.

Sau đó VFC đã mời các biên kịch khác tham gia viết lại toàn bộ.

Tuổi Trẻ Online trao đổi với bà Hải Anh, bà cho biết việc mình thông tin sự việc trên trang cá nhân chỉ vì lý do bộ phim đã "bóp méo" ý tưởng kịch bản của mình, và không muốn đứng tên trong kịch bản nữa.

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với VFC, đơn vị này cho biết họ làm việc căn cứ trên hợp đồng, và có đầy đủ bằng chứng việc ký kết hợp đồng, cũng như đã thanh toán đầy đủ cho biên kịch theo thỏa thuận trên hợp đồng.

Theo Tuổi trẻ