Con tôi bắt đầu khoá học Bé tập làm nông dân từ việc đầu tiên là xúc cỏ

Có thể học hè nhưng chủ yếu là ngoại khóa

Pháp luật Mỹ chỉ cho phép cho trẻ từ 13 tuổi trở lên ở nhà một mình hoặc trông em út nên với các gia đình có con cái U13 sẽ trở nên “sốt vó” khi đón hè.

Bởi trung bình mỗi giờ phải trả cho người trông trẻ khoảng 10 USD trong khi tuỳ tiểu bang thì tiền lương tối thiểu trả cho lao động chân tay cũng chỉ hơn 8 USD. Do vậy, nhiều gấu mẹ còn trẻ nhưng con cái đầy đàn bởi đẻ cho... xong và các cô phải ở nhà sau khi sinh con để đỡ “kiếm của thiên trả cho địa".

 

Tại trường M.W, các gia đình nếu muốn gửi con đến trường trong mùa hè chỉ cần làm giấy đăng ký thì các bé sẽ được phép quay lại trường ngay sau một tuần được nghỉ ngơi. Nếu số lượng học sinh không đủ xếp lớp, các trường có thể gom học sinh các khối lại với nhau để học tại một ngôi trường được chỉ định. Buổi trưa, các bé được ăn miễn phí. 

Dĩ nhiên lịch học cũng không quá nặng nề như chính khoá mà chủ yếu là ôn tập lại các kiến thức đã học năm vừa qua và cũng kết thúc buổi học trong ngày sớm hơn bình thường. Đặc biệt, các học sinh sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khoá nhiều hơn. Ví dụ, tôi đã từng được mời nói chuyện về văn hoá Việt Nam cho lớp 3 trường M.G trong một tiếng đồng hồ.

Tác giả nói chuyện với học sinh về văn hóa Việt Nam



Mùa hè luôn là dịp các thành phố ở Mỹ tổ chức rất nhiều hoạt động dành cho mọi người đặc biệt là trẻ em


Đây là dịp học sinh mở mang thêm kiến thức về thế giới xung quanh mà nhiều khi chính khoá giáo viên không dễ “phá vỡ giáo án". 

Anh Johnny nhà hàng xóm đối diện đã giới thiệu với tôi về chương trình “Middle school Survival Camp” (tạm dịch là trại hè để giúp các học sinh... sống sót khi vào học cấp 2”.

Anh giải thích thêm về việc các học sinh chuẩn bị vào lớp 6 sẽ được tham gia một ngày gặp mặt trước khi khai trường khoảng một tháng để được tìm hiểu những điều mà giáo viên cấp 2 sẽ yêu cầu chúng trong học tập và rèn luyện, học một số kỹ năng nhóm cơ bản, cách kiềm chế cơn giận của bản thân rồi tham gia các trò chơi vận động...

Mùa làm nông dân, thi đọc sách

“Camp” - thuật ngữ chỉ trại hè dành cho tập thể ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn trại hè tuỳ vào năng lực, sở thích của con cái và ...túi tiền của gia đình.

Hội hướng đạo Mỹ (gọi chung là “Boy/ Girl Scouts”) là một tổ chức thanh thiếu niên dành cho các bé ở Hoa Kỳ và thường được các phụ huynh “gửi gắm” con nhỏ của mình vào sinh hoạt hè. Các bé gái thì thường tổ chức làm bánh cookie rồi đứng trước các siêu thị để bán gây quỹ từ thiện còn bé trai thì trải nghiệm các phương pháp hướng đạo để được dạy các giá trị như tự trọng và yêu cuộc sống thiên nhiên qua nhiều hoạt động ngoài trời như cắm trại, trò chơi dưới nước và đi bộ đường dài...

 

“Bé làm nông dân” cũng là một chương trình mùa hè mà nhiều phụ huynh bấm bụng trả phí khá cao đưa con tham gia để “giải phóng” chúng khỏi điện thoại thông tin hay trò chơi điện tử.

Tại trang trại “Terry Bison Ranch Resort” ở thủ phủ Cheyenne (tiểu bang Wyoming), người ta xây dựng chương trình trại hè cho các cháu nhỏ đi cùng bố mẹ giúp chúng thực sự trở thành những nông dân nhí kiểu Mỹ với các hoạt động như: đi tàu hoả xung quanh vùng thảo nguyên để cho những chú bò tót béo ụ ăn cỏ, chăm sóc cừu, dê, lừa, ngựa; cưỡi đà điểu hay học cách vắt sữa bò, nhặt trứng gà...

Một em bé đang tham gia trong một sự kiện về đọc sách cho trẻ em

Một trong vài trang trại tổ chức khóa học Bé tập làm nông dân



Những cô cậu bé ở thị thành đang học trở thành người nông dân tí hon

Những cháu ở thành phố không có điều kiện “về quê” thì có thể tham gia các hoạt động rộn ràng ở thư viện của thành phố với nhiều sự kiện bổ ích như: Thi đọc sách (Booklog) để tích luỹ điểm đổi quà, xem phim thiếu nhi miễn phí, kể chuyện bé nghe dành cho trẻ 2-3 tuổi, học vẽ tranh hoặc thậm chí mời ảo thuật gia đến biểu diễn.

Ở miền Trung của tiểu bang Missouri, hệ thống thư viện của các thành phố nhỏ có liên kết với nhau nên mọi người có thể mượn sách nơi này trả sách nơi kia hoặc có thể sống ở thành phố này mà tham gia sự kiện ở thành phố kia một cách dễ dàng.

 

Thậm chí có lần tôi ghé tham quan thư viện trung tâm rất hoành tráng của thành phố St. Louis vào đầu mùa hè, nơi mà chỉ có các cư dân ở đây được miễn phí, thành viên còn lại phải đóng phí thường niên. Các nhân viên thư viện cung cấp miễn phí các phần ăn trưa cho các bé đang đọc sách ở đây.

Mang thắc mắc hỏi người thủ thư già tên Don, ông từ tốn giải thích: “Đây là chương trình ‘Ăn trưa cùng sách’ được thực hiện miễn phí hàng ngày trong suốt dịp hè để thu hút nhiều hơn các cháu đến đọc sách, xem phim, chơi game hay tham quan bảo tàng trong thư viện cũng như bố mẹ yên tâm rằng con của mình có nơi giải trí bổ ích trong những ngày hè”.

Từ đó tôi mới “hài lòng” khi tự tìm được cho mình câu trả lời tiền thuế đóng hàng năm của gia đình dành cho trường học, giáo dục đã được sử dụng như thế nào ở đất nước này!

                                                                                                                                                                                                                   Theo Thanh Niên