Nhóm nhạc Lip B

Mấy năm gần đây, tuy thị trường âm nhạc Việt có dấu hiệu bão hòa, nhưng vẫn có nhiều nhóm nhạc trẻ ra đời theo công thức chung là học hỏi các nhóm nhạc K-pop, từ gu thời trang đến chất liệu âm nhạc, hay nói ngắn gọn là "Hàn Quốc hóa" mô hình của nhóm nhạc Việt.

Có thể kể đến các nhóm Uni5 và Lip B từ lò đào tạo của ca sĩ Đông Nhi và Ông Cao Thắng; Lime được tuyển chọn từ cuộc thi Ngôi sao Việt của công ty quản lý Hàn Quốc; S-Girls khởi đầu từ cuộc thi X-Factor; Monstar đến từ Công ty Giải trí St.319; The Air gồm 5 thành viên với 3 dòng máu Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, thuộc Công ty Mowo Entertainment; P336 có 10 thành viên được tuyển chọn từ cuộc thi Ban nhạc toàn năng do MBC Corporation, MCV Corporation phối hợp cùng các nhà sản xuất âm nhạc Nhật Bản và Thái Lan thực hiện. Ngoài ra còn có các nhóm M4U, Da LAB, O-Plus, X-Twins, The Wings, Dophin, Zero9, Tino Ft.Kop, Her...

Các nhóm nhạc kể trên đều được học thanh nhạc, vũ đạo và tiếng Anh. Nói như ca sĩ Đông Nhi thì các nhóm nhạc phải nắm bắt thị hiếu của giới trẻ hiện nay là có hình ảnh trẻ trung, phong cách, vũ đạo đẹp mắt như K-pop. Nhưng dù có ngoại hình đẹp, sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng và chiến lược truyền thông dài hạn, nhiều nhóm nhạc trẻ vẫn khá vất vả để chinh phục khán giả.

Chẳng hạn, tuy có được sự đầu tư khá mạnh tay của Đông Nhi và Ông Cao Thắng, nhưng sau mấy năm thành lập, nhóm Lip B và Uni5 cũng chưa tạo được dấu ấn đặc biệt khi bài hát và phong cách còn hao hao K-pop. Nhóm Lime sau 2 năm được đào tạo ở Hàn Quốc, rõ ràng có phong cách "đặc sệt K-pop" và hoạt động chủ yếu ở Hàn Quốc. Zero9 vừa ra mắt đã trở thành "thảm họa" bởi phong cách sao chép, giọng hát mất hơi và vũ đạo kém...

Thực ra, học hỏi và xây dựng hình ảnh như nhóm nhạc K-pop không có gì là sai. Cũng không phủ nhận thời gian qua các nhóm nhạc trẻ Việt đã tạo được những làn gió mới và bắt kịp xu hướng thưởng thức ca nhạc trên thế giới. Chỉ có điều họ cần phải tạo được bản sắc riêng của một nhóm nhạc Việt. Dù K-pop có lượng người hâm mộ đông đảo ở Việt Nam nhưng giữa nhóm nhạc Việt và nhóm nhạc Hàn có những khác biệt rất rõ ràng về văn hóa, ngôn ngữ.

Khán giả thích những thần tượng đến từ Hàn Quốc không có nghĩa sẽ thích những nhóm nhạc Việt giống với K-pop. Nhiều người nhận xét các nhóm nhạc mang hơi hướng Hàn Quốc chủ yếu tập trung về mặt hình thức (ăn mặc, trang điểm), còn giọng hát chưa được đánh giá cao.

Trong khi đó, dù không có nhiều người hâm mộ, không tốn kém tiền của xây dựng hình ảnh và đầu tư MV, nhưng ban nhạc Ngọt đã nhận được 2 giải Nghệ sĩ mới của năm và Bài hát của năm tại lễ trao giải Cống hiến 2018. Bởi Ngọt là nhóm nhạc thuần Việt từ phong cách đến hình ảnh và ca khúc trình diễn được chọn lọc.

Nhìn lại những năm đầu thập niên 2000, các nhóm nhạc 1088, Tam ca Áo Trắng, Ba Con Mèo, AXN, AC&M, H.A.T, Ngũ Long Công Chúa, MTV, Mắt Ngọc, Quả Dưa Hấu... không xây dựng theo công nghệ đào tạo hay bắt chước mô hình của nước nào mà vẫn "làm mưa làm gió" trên thị trường nhạc Việt, để lại ấn tượng khó quên với khán giả thế hệ 8X, 9X.

Có thể nói, các nhóm nhạc trẻ thời nay đều có nội lực khá tốt, hoạt động dưới sự trợ giúp, đầu tư của công ty giải trí hay các nghệ sĩ tên tuổi. Ngoài được lựa chọn khá kỹ về ngoại hình và được đào tạo về thanh nhạc, từng thành viên trong nhóm còn được đào tạo các kỹ năng khác như trình diễn, diễn xuất, chơi nhạc cụ, nhảy múa, MC, VJ, ngoại ngữ, ứng xử, kiến thức về thời trang...

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng nhóm nhạc trẻ thời nay đang gặp khá nhiều bất lợi và cạnh tranh đến từ các loại hình giải trí khác như phim, gameshow, truyền hình thực tế... Ngô Thanh Vân - cựu quản lý của nhóm nhạc 365 từng nhận định, so với thị trường các nước châu Á thì nhóm nhạc ở Việt Nam khó sống hơn so với ca sĩ solo (đơn lẻ).

Chi phí đào tạo và duy trì nhóm cao nhưng cát-sê lại không cao hơn ca sĩ solo. Đó cũng là một lý do mà sau 5 năm hoạt động tích cực, nhóm 365 vẫn rã đám để các thành viên theo đuổi con đường solo (ca hát, đóng phim, làm MC, VJ, viết sách)...

Từ kinh nghiệm của bản thân, một số cựu thành viên nhóm 365 cũng chia sẻ, phát triển riêng lẻ là hợp lý, bởi mô hình nhóm nhạc thuần túy (chỉ ca hát) ở Việt Nam hiện nay không mấy được ưa chuộng. Trong khi ca sĩ solo chỉ cần bước ra từ các chương trình thi tài năng trên truyền hình, hay "cover" ca khúc "hit" tung lên mạng nhận được lượt "view" cao là đã có thể khởi đầu sự nghiệp ca hát.

Còn tham gia nhóm hát thì cần phải có thời gian đào tạo theo công thức tối thiểu là 2 năm. Ngoài ra, không phải công ty nào của làng nhạc Việt cũng có tiềm lực tài chính đủ mạnh để theo đuổi cuộc chơi đầy rủi ro trong việc đào tạo nhóm nhạc trẻ theo mô hình K-pop.

Vì với nhóm nhạc đông thành viên, chi phí cho trang phục, di chuyển, tập luyện, chiến lược truyền thông... đều cao gấp nhiều lần so với ca sĩ solo. Bởi vậy, xây dựng nhóm nhạc toàn năng, các thành viên có thể hoạt động theo nhóm hoặc đơn lẻ ở các lĩnh vực giải trí khác như đóng phim, nhảy múa, làm MC... nhằm chinh phục nhiều đối tượng khán giả hơn đang là xu hướng được áp dụng.

Theo Doanh nhân Sài Gòn