Những ngày này, nhiều sinh viên vẫn còn rong ruổi khắp mọi nẻo đường
 để làm thêm kiếm tiền


4 năm, chưa một lần về quê đón tết
Bùi Thị Kim Thúy, sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã 3 cái tết chưa về nhà. Thúy cho biết vì gia đình không có điều kiện nên không về quê đón tết. Chúng tôi thắc mắc: “Có nhiều chuyến xe miễn phí cho SV về quê sao Thúy không đăng ký?”. Thúy bộc bạch: “Tại do em muốn ở lại làm thêm để kiếm tiền phụ bớt học phí cho ba mẹ và ra tết học thêm tiếng Anh. Năm này là năm cuối rồi nhưng tiếng Anh còn rất tệ, nếu không học thì sau này ra trường sẽ rất khó xin việc làm”.
Khi nghe những bản nhạc xuân của chương trình “Gặp mặt SV đón tết xa nhà” do Trung tâm hỗ trợ học sinh SV TP.HCM tổ chức, Nguyễn Việt Hưng, SV năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã ngấn lệ. Hưng nói: “Năm nay là năm thứ 2 mình đón tết xa gia đình. Hè vừa rồi cũng vì tranh thủ làm thêm kiếm tiền nên suốt 2 năm qua mình chưa về nhà. Là con trai, tưởng mình sẽ cứng rắn nhưng đến những giờ phút này cũng vỡ òa vì nhớ gia đình”.
Mấy ngày này bạn bè về hết, cả khu trọ chỉ còn một mình Hưng. Hưng đi làm từ sáng sớm đến 11 giờ đêm mới về. Hưng tranh thủ ban ngày phụ chở hàng tại chợ Bình Điền cho các thương lái, còn tối thì làm phụ bàn tại quán nhậu.
“Thực ra ai cũng muốn về quê đón tết, nhưng cứ mỗi lần sau tết vào lại học, nhìn cảnh ba mẹ phải chạy vạy mượn tiền từ những ngày đầu năm để gói ghém cho mình mang đi mà bản thân cầm lòng không được. Mình thấy nam nhi sức dài vai rộng, nên thôi hy sinh những dịp tết để làm thêm kiếm tiền, những dịp này mới mong kiếm được nhiều tiền để xoay xở cho cả năm”, Hưng chia sẻ.
Còn Phạm Thị Thương, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì đã là 4 năm chưa một lần về quê Ninh Bình đón tết.
Một phần vì xa, đi lại rất tốn kém, một phần từ lúc Thương vào TP.HCM học đại học, ba mẹ cũng vào Kon Tum làm rẫy thuê, hoặc ai mướn gì làm nấy để kiếm tiền nuôi mấy chị em Thương ăn học. Nếu tết nào không xin được công việc tốt trong này để làm thì Thương về Kon Tum để đi làm thuê với ba mẹ. “Nhưng 4 năm rồi em chưa ăn tết vì năm nào cũng đi làm”, Thương nói.
Làm kín giờ để bớt nhớ nhà
Hầu hết những SV phải ở lại dịp tết đều làm rất nhiều việc hoặc làm kín hết thời gian của một ngày. Hỏi làm như thế thì sức đâu ra tết học, nhưng đa phần đều trả lời là có, như thế mới không còn thời gian để nhớ nhà.
Dương Thị Minh Hằng, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã xin được 2 công việc. Ban ngày thì 2 ca tại 2 quán cà phê, tối đến cùng đứa bạn đi bán kẹo dạo ở các phố nhậu.
Năm nay, Hằng không về quê đón tết bởi vì “trước giờ nhà mình như một mái chòi trên mặt nước ở đầm Thị Tường, Cà Mau nhưng ở đây đang có dự án xây dựng khu sinh thái, nên ba mẹ đang rất lo lắng vì chưa biết gia đình sẽ đi đâu về đâu. Ba mẹ đang lo lắng, mình về chỉ thêm gánh nặng lo tiền sau tết để tụi mình đi học. Mình quyết tâm ở lại làm thêm phụ bớt cho ba mẹ, vì ngày tết tiền chủ trả lương cao hơn, nhất là vào 4 ngày đầu năm”.
Nói về thu nhập trong các ngày tết, Bùi Thị Kim Thúy cũng cho biết, 3 năm nay từ 25 tháng chạp Thúy đã dọn đến nhà chủ để làm giúp việc nhà. “Nhà chủ rất rộng nhưng chỉ có một mình em nên ngày nào cũng làm từ sáng sớm đến khuya, nhất là những ngày cận tết phải dọn tất cả ngóc ngách. Lương rất cao, chủ trả cho mình 500.000 đồng/ngày, còn được bao ăn, bao ở”.

Theo Thanh niên