Điểm chung của dòng sách viết về Sài Gòn là những cảm tình chân thật. Có những hoài niệm từng thao thức bao năm, có câu chuyện thời sự nóng hổi, có những bước đường mưu sinh vất vả... Và mỗi trang sách như được chắt lọc nên từ những tâm hồn đang sống rất sâu sắc với Sài Gòn.

Dạo Sài Gòn qua sách, hẳn cũng là một thú vị của ngày xuân.

Sài Gòn ngủ trưa sau 10h30

Cứ như những gì nhà nghiên cứu Lê Nguyễn trình bày trong tập sách Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (DTBooks ấn hành), bạn đọc có thể làm một cuộc "viễn du" với Sài Gòn qua chiều dài lịch sử theo một hành trình ấn tượng. 

Đây cũng chính là sự khéo léo của tác giả Lê Nguyễn khi chuyển các vấn đề tưởng chừng khô khan chỉ gây chú ý với các nhà nghiên cứu thành những nội dung hấp dẫn có sức gợi.

Hãy theo ông để xem tổng đốc Nguyễn Hữu Phương có công gì trong việc lập "trường nữ bản xứ" đầu tiên ở Sài Gòn (sau đó được gọi tên là Áo Tím, Gia Long, và nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Và nghe tác giả kể chuyện người Sài Gòn xưa sinh hoạt thế nào qua những nguồn tài liệu dồi dào, khả tín.

Thật thú vị khi biết rằng vào cuối thế kỷ 19, cuộc sống Sài Gòn diễn ra theo sinh hoạt của người châu Âu là chủ yếu, và có một thời kỳ, Sài Gòn ngủ trưa từ sau bữa ăn lúc 10h30 kéo dài đến 14h-15h chiều. Hay như Sài Gòn vào thập niên 1880 có đến 400 chiếc xe ngựa cho thuê, rồi chuyện người Sài Gòn xưa ăn tết, sách báo Việt ngữ tại Sài Gòn đầu thế kỷ 20, các trường nghề đầu tiên và việc dạy nghề tại Sài Gòn thời Pháp thuộc...

Chuyện đánh ghen của người Sài Gòn xưa

Với Ngô Kế Tựu, Sài Gòn trong ông là miên man nỗi nhớ. Sài Gòn còn chút gì để nhớ? (Phương Nam Books ấn hành) chính là những kỷ niệm thuộc vào hàng "thích mê" của tác giả. Bước vào trang sách của Ngô Kế Tựu, mới biết cái "chút gì" của ông thật ra là rất rộng lớn mênh mông. Sài Gòn hiện ra không theo thứ tự, nhưng mỗi mảng miếng mang một sức hấp dẫn riêng.

Hãy theo tác giả xem thiên khảo cứu về đua ngựa ở Sài Gòn, cùng ông gặp những lò nuôi ngựa đua truyền thống, lắng nghe các mánh khóe cá cược ở trường đua vang dội một thời... Hay những chuyện xem xinê ở Sài Gòn, thú uống cà phê và nghe nhạc bằng dàn máy Akai, những tiệm may, những khu chợ cũ, những cuộc đời trôi nổi lấy ngã tư làm nhà... Cả chuyện đánh ghen của người Sài Gòn xưa cũng được tác giả khảo cứu thành một bài thật thú vị...

Đến nay, tất cả đều là những hành trình đáng nhớ của Sài Gòn một thời mà phải là người từng gắn bó cật ruột và yêu quê tha thiết lắm mới cuồn cuộn đổ về trên trang viết trong lúc tha hương như vậy.

Từ gánh bún xào đến bánh mì chả cá

Lại có một Sài Gòn của người trẻ - thế hệ 8X từ quê lên Sài Gòn và bị quyến rũ không phải từ cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của Sài Gòn, Nguyễn Duy Quyền và tập tản văn Sài Gòn trong Sài Gòn (NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành) là một điểm đến mang phong vị khác của hành trình dạo sách Sài Gòn.

Từ một gánh bún xào trên phố, tác giả nhìn thấy nơi đây có ba đứa con "bước hết ngưỡng phổ thông và đang ngồi ghế trường đại học"; từ một trận đụt mưa anh phát hiện ra ông già mắc chứng Parkinson vẫn hành nghề vá xe kiếm tiền phụ vợ; để ý qua những chuyến dọn nhà, anh lân la làm quen với cụ già ngoài 70 vẫn chạy xe chở mướn, để từ đó nhặt được một triết lý sống rất Sài Gòn: "Già càng phải đi mần"... 

Hay một gia đình bán bánh mì chả cá như đại diện cho cả những phận cùng đinh bệnh tật mà vẫn vui sống mặc cho tác giả băn khoăn "bánh mì chả cá làm sao đủ nuôi một người cần xạ trị?"...

Theo những trang tản văn này, người đọc bỗng thấy mình lọt vào những ngõ ngách khuất khúc của Sài Gòn mà trong dòng đời vội vã hiện nay chưa chắc ai cũng kịp nhận ra...

Đô thị hiện đại và giáo dục nhân bản

Và đến hẹn lại lên trong liên tiếp 5 năm nay, nhà báo Phạm Công Luận trước thềm năm mới lại ra mắt tập sách đong đầy những nỗi niềm Sài Gòn - chuyện đời của phố. Lần này đã là tập 5, Sài Gòn tiếp tục câu chuyện đời của phố: Về một thời kỳ đầu nghề sản xuất đĩa hát ở Việt Nam và hãng đĩa Lê Văn Tài, về bà chủ nhà in không biết chữ Thạnh Thị Mậu với chi tiết trích lại từ báo chí bấy giờ "có một chữ ký tên Mậu mà bà tập hết mấy hôm", về nghệ thuật tranh sơn mài từng nức tiếng ở Sài Gòn...

Và rồi sẽ theo tác giả diện kiến lại một thời hoàng kim của xe đạp theo chân người Pháp đến đất này, tha thẩn cùng tác giả ghé thăm con hẻm Cao Đạt ở đường Trần Hưng Đạo để nghe dông dài hàng lô lốc chuyện đời suy thịnh từ nghệ sĩ, danh gia đến người bình dân... Đô thị hiện đại và giáo dục nhân bản, người Sài Gòn từng có một duyên may. Và duyên may ấy nay vẫn còn chuyển đến cho bạn đọc hôm nay, bằng những trang sách mới dịp xuân về.

Theo Tuổi trẻ