Nhà thờ Bùi Chu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trưa 24-5, trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam - ông Micheal Croft - đã có buổi gặp gỡ với truyền thông về câu chuyện nhà thờ Bùi Chu.

Ông Micheal Croft cho biết nhóm làm việc của UNESCO đã có buổi tham quan thực tế tại nhà thờ Bùi Chu và gặp gỡ, trao đổi với Đức giám mục Thomas Vũ Văn Hiệu vào ngày 10-5.

Nhóm đã được Đức giám mục chia sẻ về những lần trực tiếp trùng tu trước đây và: quá trình đi đến quyết định hạ giải, tái thiết nhà thờ Bùi Chu.

Phương án nhà thờ có bây giờ đã điều chỉnh nhiều lần, thảo luận nhiều lần với cơ quan văn hoá cấp tỉnh và gần đây có thêm các cơ quan trung ương.

Phía nhà thờ cho biết đã cân nhắc nhiều phương diện, bên cạnh giá trị lịch sử thì còn tính đến yếu tố an toàn và quyền thực hành tín ngưỡng của người dân.

Ông Micheal Croft khẳng định UNESCO ghi nhận, tôn trọng quan điểm cũng như cảm xúc của cộng đồng và vai trò của họ trong việc gìn giữ di sản, bản sắc văn hóa:

 Với UNESCO, vai trò của cộng đồng thụ hưởng và cộng đồng địa phương là quan trọng nhất. Trong tiếp xúc và làm việc với cộng đồng Bùi Chu, UNESCO cảm nhận được sự trân trọng, tỉ mỉ, lòng thành kính lớn lao của cộng đồng với nhà thờ.

Ông Micheal Croft - trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam


UNESCO bày tỏ sự ủng hộ với phương án giữ lại những kết cấu kiến trúc quan trọng của nhà thờ cũ trong công trình mới của nhà thờ Bùi Chu và đưa thêm gợi ý rằng nhà thờ có thể làm thêm một bảo tàng để trưng bày hiện vật, kể lại câu chuyện của nhà thờ cũ.

Ông Micheal Croft đã chia sẻ với Đức giám mục nhà thờ Bùi Chu rằng UNESCO sẵn sàng kết nối kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ giáo phận trong giai đoạn quan trọng hạ giải và tái thiết nhà thờ.

Rất gần nhà thờ Bùi Chu là nhà thờ Giáo họ Hạ Linh (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định), được xây dựng năm 1919, cũng là kiến trúc gỗ, được tôn tạo năm 2000 và hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Một câu chuyện quan trọng liên quan đến nhà thờ Bùi Chu mà ông Micheal Croft nhắc tới với sự bất ngờ, đó là sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng tới công trình cổ này.

Thông thường, một công trình như nhà thờ Bùi Chu chưa nằm trong danh mục di sản văn hóa quốc gia hay danh sách di sản UNESCO công nhận thì UNESCO không tham gia ý kiến.

Tuy nhiên, trước sự quan tâm của công chúng, với nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi trên truyền thông cũng như mạng xã hội, cộng thêm việc các kiến trúc sư đã gửi thư đề nghị UNESCO "vào cuộc" thì ông đã quyết định tham gia.

Ông Micheal Croft cho rằng trường hợp Bùi Chu không phải là một vụ việc mà là một câu chuyện về giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển mà Việt Nam đang phải đối mặt.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chia sẻ với chúng tôi rằng họ cũng không muốn chạy theo từng sự việc mà mong muốn có những bước đi, hành động cụ thể để thúc đẩy công việc kiểm kê và đề cử danh mục di sản văn hóa một cách có hệ thống hơn. Cần có cách tiếp cận chủ động hơn, hệ thống hóa, hướng tới việc kiểm kê bảo tồn những di sản tôn giáo có giá trị. Phía ngài giám mục Bùi Chu cũng bày tỏ muốn hợp tác cùng các chuyên gia, các cơ quan chức năng để nhận diện các nhà thờ có giá trị ở giáo phận Bùi Chu đưa vào danh mục các di sản được bảo vệ

Ông Micheal Croft - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam


Nhân câu chuyện nhà thờ Bùi Chu, UNESCO và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang muốn tìm kiếm một cách tiếp cận có hệ thống và chủ động hơn với hệ thống các công trình cổ chưa nằm trong danh mục di tích được xếp hạng.

Cùng xã với nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Giáo họ Trung Linh (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định), khánh thành năm 1892, hoàn thành đại tu năm 1999, vẫn giữ được các giá trị nguyên gốc của mình và hiện vẫn rất vững chãi - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trưởng đại diện UNESCO cũng nhấn mạnh khi còn những khoảng trống về pháp lý chưa kịp lấp đầy thì sự quan tâm và cất tiếng nói của công luận là vô cùng cần thiết để bảo vệ các di sản, để xã hội nhìn thấy sự cần thiết hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.

 Nhiều nhà thờ cổ cạnh Bùi Chu được trùng tu tốt

Về hiện trạng nhà thờ Bùi Chu, theo ông Micheal Croft, bằng mắt thường có thể nhận thấy có hiện tượng sụt lún, trước mặt nhà thờ có vết nứt và một tháp chuông bị nghiêng; cấu trúc mái của nhà thờ mục nát.

"Ta phải nhớ lại, với điều kiện kinh tế của nhà thờ khi xây, nó không được xây để trường tồn. Bùi Chu không phải một nhà thờ đá như ở châu Âu. Bùi Chu được xây bằng vật liệu tận dụng, hỗn hợp, gỗ cũng không tốt nhất", ông Micheal Croft nói.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà thờ xung quanh nhà thờ Bùi Chu, cùng ở ngay xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định, được xây dựng sau nhà thờ Bùi Chu ít năm, cùng là kiến trúc gỗ bên trong, với cùng điều kiện kinh tế, nhưng đã được trùng tu tốt và hiện còn rất tốt.

Theo tuoitre