Múa rối nước ở Việt Nam


"Trong một nhà hát ở trung tâm Hà Nội, một con rồng gỗ xuất hiện từ mặt nước trong tiếng chũm chọe rộn rã", bài viết bắt đầu bằng một vở múa rối nước ở Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội.

Đằng sau tấm màn tre mỏng là khoảng 20 nghệ nhân đầm mình dưới nước, điều khiển những con rối biểu diễn bằng những que gỗ dài.

"Những con rối rất nặng và nước cũng tạo ra lực cản, nhưng nhiều năm luyện tập và kinh nghiệm biểu diễn giúp chúng tôi kiểm soát được", nghệ nhân Nguyễn Thu Hoài chia sẻ với AFP khi đang tháo đôi ủng cao su và xỏ chân vào đôi dép kẹp trong lúc nghỉ giữa show.




Các nghệ nhân cho biết có những con rối nặng đến 10kg, những con lớn nhất cao đến 1m và phải cần đến 4 người để điều khiển.

Các show múa rối nước ở Nhà hát múa rối Thăng Long trở thành một điểm đến được yêu thích trong các tour tham quan dành cho du khách, và thu hút hàng ngàn người mỗi tuần, trong đó có những người mới biết đến rối nước lần đầu.

"Tôi chưa từng xem một show múa rối trong nước như thế này bao giờ. Tôi thấy được người ta câu cá, nhảy múa, và tất cả những màn biểu diễn khác nữa", du khách người Mỹ Caroline Thomoff phấn khởi chia sẻ với AFP sau khi xem xong một vở rối nước.

Các nghệ nhân điều khiển con rối sau tấm màn tre

Theo AFP, Việt Nam là nơi sinh ra loại hình nghệ thuật hàng trăm tuổi này, bắt nguồn từ những khu vực trồng lúa ở miền bắc như là một hoạt động giải trí của người nông dân.

Những màn biểu diễn rối nước sớm nhất được ghi lại trên một tấm bia từ thế kỷ thứ 12 và hiện vẫn còn được lưu giữ ở một ngôi chùa ở Hà Nam.

Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng rối nước đã xuất hiện từ trước đó, theo AFP.

Các vở rối nước từ ngày xưa thường kể các câu chuyện ngụ ngôn hay truyền thuyết thần thoại xa xưa, như câu chuyện gươm báu của nhà vua từng được dùng trong công cuộc chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Cho đến nay, chủ đề của các vở rối nước cũng không thay đổi nhiều, cũng như là các con rối bằng gỗ được sơn màu rực rỡ vẫn còn được giữ theo truyền thống.

"Các vở rối mà con cái của chúng ta và các thế hệ mai sau xem vẫn sẽ giống như nguyên mẫu ngày xưa", giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long Chu Lượng chia sẻ.

Người trẻ thờ ơ

Theo AFP, mặc cho có nguồn gốc cổ xưa - hoặc cũng bởi vì do có nguồn gốc xa xưa, các vở rối nước thường ít được khán giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, chú ý.

Hơn một nửa trong tổng dân số 93 triệu người ở Việt Nam là dưới 30 tuổi và thường thì họ thích các loại hình giải trí điện tử hơn, bài viết của AFP phản ánh.

"Ngày nay người ta có nhiều loại hình giải trí, thiết bị điện tử, và mạng Internet, nên ngoài các dịp lễ hội, chúng tôi không thể biểu diễn suốt được vì khán giả Việt Nam không xem nhiều", anh Pham Dinh Viem, truyền nhân điêu khắc đời thứ ba trong một gia đình có truyền thống làm nghề múa rối ở một làng nghề ở Thái Bình, chia sẻ.

Cũng giống như những nghệ nhân rối khác trong làng, nghề làm con rối dường như không đủ để Vinh lo cho gia đình, nên anh phải làm thêm các công việc lao động chân tay để có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, người nghệ nhân này vẫn kiên trì và luôn hy vọng thế hệ tiếp theo có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê mà anh nói là luôn chảy trong huyết quản của mình.

Trong khi rối nước có vẻ đã "hết thời" trên quê nhà, loại hình nghệ thuật này lại vẫn đang thu hút sự chú ý từ bên ngoài.

Trong nửa đầu năm nay, đạo diễn người Canada Robert Lepage đã khiến khán giả Toronto trầm trồ với vở opera The Nightingale, trong đó khu vực dàn nhạc được biến thành một hồ nước cho các ca sĩ kiêm nghệ nhân múa rối điều khiển các con rối.

Những cách tiếp cận đầy sáng tạo như vậy, rất có thể sẽ là bí quyết để làm sống lại loại hình truyền thống lâu đời này ở Việt Nam, anh Viem nhận xét.

"Nếu kịch bản và các màn biểu diễn không thay đổi, khả năng phục vụ khán giả về lâu về dài là rất khó", anh nói.

Theo Tuổi trẻ