Hoạ sĩ Thành Phong và cuốn sách tranh tập hợp những câu nói nổi tiếng thời bao cấp


Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online khi sách vừa phát hành, Thành Phong nói:

- Năm 2012, ngay sau khi Sát thủ đầu mưng mủ ra mắt, chúng tôi đã tiến hành dự án này do được đặt hàng. Điểm khác biệt của cuốn sách là ngoài giải trí còn có yếu tố văn hóa, lịch sử.

Vậy nên chúng tôi rất thích khi làm cuốn sách này, bởi học được nhiều điều, làm giàu thêm cho vốn kiến thức của mình trong quá trình nghiên cứu tài liệu.  

Hiểu quá khứ thời bố mẹ mình thì sẽ lý giải được nhiều điều cho cuộc sống hiện tại và giúp chúng ta tiến tới tương lai. 

* Các anh bắt tay thực hiện dự án này ra sao?

Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương 

- Biên tập của nhà sách và chúng tôi sưu tập lại những câu nói thời bao cấp, lập danh sách. 

Tôi và anh Hữu Khoa sẽ phân công xem ai thực hiện những câu nói gì. Sau đó mỗi người tự vẽ và triển khai theo ý tưởng của riêng mình về câu nói đó.

Khi tôi sinh ra đã là cuối thời bao cấp, nên không có nhiều ký ức liên quan đến cách ứng xử của thời ấy nữa. 

Nếu có ký ức thì chỉ còn với những sự vật, địa điểm hay một số đồ dùng thời bao cấp mà tôi vẫn được thấy.

Vậy nên tôi phải tham khảo rất nhiều tư liệu như xem video, phim tài liệu ngày xưa, sách, ảnh, hỏi ý kiến của những nhà nghiên cứu về thời bao cấp hoặc những người đã từng sống ở thời kỳ đó để có thể thể hiện một cách tốt nhất những câu nói thời ấy.

* Không được trải nghiệm cách ứng xử và cách sống của thời bao cấp, vậy cuốn sách có tái hiện được tinh thần của thời bao cấp không?

- Dù nghiên cứu nhiều nhưng thể hiện được đúng bao nhiêu tinh thần của thời ấy thì mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi người đọc.

Chúng tôi cố gắng khái quát đầy đủ nhất những góc nhìn về thời bao cấp. Những câu nói này đều là những ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau như khuyết danh hoặc câu nói về người, sự việc cụ thể nào đó.

Ai đã sống qua thời bao cấp sẽ nhớ lại không khí thời đó. Còn các bạn trẻ chưa sống qua thời đó hoặc những người sinh ra vào cuối thời bao cấp như tôi có thể hình dung rõ hơn về thời ấy.

Hầu hết những ‘tác phẩm’ dân gian trong cuốn sách đặc biệt này đều được những người thời đó thuộc lòng, và dễ dàng truyền miệng cho nhau, bởi nó dí dỏm, hài hước, nó dễ nhớ, dễ thuộc, và nhất là nó đúng quá với bối cảnh nó ra đời, với tâm trạng của những người sống trong thời đó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan 

* Cuốn sách được vẽ theo phong cách cổ động pha chút biếm họa hài hước. Đó có phải là điểm nhìn của tác giả khi thực hiện cuốn sách này?

- Tôi lựa chọn những bức tranh minh hoạ giống như minh họa sách ngày xưa là sử dụng ít màu. Tranh của tôi trong sách gần như chỉ có hai màu trắng - đen và thêm màu vàng đất. Đó cũng là một cách để mô phỏng lại sách thời bao cấp.

Hoặc tôi chọn phong cách tranh cổ động để gợi nhớ lại thời ấy. Nhưng đó chỉ là mô phỏng để dẫn mọi người liên tưởng đến thời ấy dễ hơn. Chứ tôi không hoàn toàn sử dụng hoàn toàn thủ pháp như thời bao cấp, nên cách tạo hình trong sách vẫn rất hiện đại.

* Dù không sống ở thời bao cấp nhưng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, anh cảm nhận ra sao về những năm tháng ấy?

- Một thời đại kết thúc không đơn thuần như ta gập lại một trang sách để mở ra trang mới mà nó sẽ có nhưng hệ quả đi theo từ thời ấy đến bây giờ. Thậm chí đến bây giờ vẫn có những nếp suy nghĩ ảnh hưởng từ thời bao cấp.

Chúng ta quan sát, nhìn xem những di sản gì tốt đẹp từ thời bao cấp thì có thể duy trì hoặc làm cho nó hồi sinh trở lại nếu nó đã biến mất. Còn những điều tiêu cực, cần phải thay đổi thì ta sẽ tự rút ra được bài học.

Cuốn sách này không thể đại diện cho toàn bộ góc nhìn hoặc những vấn đề đã xảy ra trong thơi kỳ bao cấp mà chỉ thể hiện một lát cắt thuộc về lịch sử, văn hoá mà những người đã trải qua thời kỳ bao cấp đúc kết lại thành những câu nói thời ấy.

Có nhiều khía cạnh khác nhau của thời kỳ này, xuất phát từ những tầng lớp, công việc, vùng miền khác nhau. Mỗi người có cảm nhận khác nhau.

Theo Tuổi trẻ

Nhìn lại một thời nhiều gian khó và vất vả theo cách đơn giản và vui vẻ như thế này quả thật là đặc sắc. Thật thông minh khi chọn cách thông qua những biếm họa và thơ trào phúng để biến quá khứ thành lịch sử

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Nhìn lại một thời nhiều gian khó và vất vả theo cách đơn giản và vui vẻ như thế này quả thật là đặc sắc. Thật thông minh khi chọn cách thông qua những biếm họa và thơ trào phúng để biến quá khứ thành lịch sử

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng