Thứ năm, ngày 28-03-2024, 04:00 (GMT +7)

Những dáng đi của thời gian

Cập nhật lúc 06:37, Chủ nhật, 16/09/2018

Với chiếc áo dài, mọi phụ nữ Việt đều bình đẳng trong sắc đẹp”. Tự dưng nhớ câu này của “con yêu bánh nậm Huế” – GS Triết học Thái Kim Lan khi xem chương về “Áo dài” trong vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” quy tụ gần 200 diễn viên, con số kỷ lục cho một show áo dài ở nước mình.


Áo dài trong "Ký ức Hội An"

Lần nào trò chuyện, bà ấy cũng hoài nhớ về “thế hệ tôi”, tức ba bốn chục năm trước ở xứ Huế quê nhà, tà áo dài luôn hiện diện trong đời sống thường nhật.

Và phụ nữ, từ người bình dân buôn thúng bán bưng cho đến người cao sang đều… bình đẳng trong chiếc áo dài - bình đẳng trong vẻ đẹp cũng như tính cách con người, dù chất lượng vải vóc khác nhau…

Thả mình trong chương “Áo dài”, cảm giác cũng tiên cảnh lắm bởi trước mắt mình là một thế giới đẹp hồn nhiên và lành lặn, vừa cao quý vừa nhục thể trần trụi. Một sự đồng phục từ màu sắc, ánh mắt, thậm chí cho đến các số đo nên không phải bận tâm so sánh cô này ít xinh hơn cô kia rồi suy tưởng linh tinh, có khi tâm trí dẫn dắt nhau đi xa không quay về được.

Những dáng đi của thời gian...

Đã thế nhạc còn hay mê man và vũ điệu thì được gọt tỉa tinh xảo, lạ lẫm kiểu kỳ bí chưa từng gặp trên những sàn catwalk. Giờ mới để ý là ngôn ngữ múa cũng lắm lời. Chả thế mà có ông bảo trông dáng đi của các cô ấy như kiểu đang đau đẻ.

Còn tôi thì lại thấy đó là dấu ấn trăm năm của những đời người, là những bước đi liêu xiêu khó nhọc, cả niềm hân hoan hạnh phúc của thời gian và ký ức của cả một vùng đất một thời là phên dậu.

Cũng như tà áo dài, giờ là quốc hồn quốc túy, thế mà hồi thập kỷ 1930, khi họa sĩ Cát Tường thực hiện một cuộc cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân khiến nó chỉ còn hai vạt trước sau và nối dài vạt trước cho chấm đất, thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi cũng như sự gợi cảm.

Tuy nhiên, sự cải cách này ngay từ đầu đã nhận được phản ứng dữ dội từ dư luận, thậm chí tẩy chay. Thời đó ai mà mặc áo dài thì sẽ bị quy là đĩ thõa, lăng loàn… như đã từng được phản ánh trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

Nhớ hồi năm trước, GS Thái Kim Lan từ trú xứ Đức về Huế ra mắt bộ sưu tập áo dài từ thời Nguyễn trong tâm trạng ““Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” như những câu thơ của vua Tự Đức.

Một thời, mặc áo dài sẽ bị cho là... lăng loàn.

Bộ sưu tập là sự trở về của hơi thở tàn y cùng nỗi thao thức thảng thốt khi nhận ra áo dài giờ chỉ còn xuất hiện ở những show diễn trên sân khấu và gần như không còn nhìn thấy trên những nẻo đường Việt Nam. Và thay vì tôn vinh người phụ nữ trong vẻ đẹp bình dân nhất, áo dài đang lớn lối khoe màu sặc sỡ, đến nỗi tự vong thân…

Vui tươi thổn thức, là tâm trạng của tôi với bản tin trên báo về việc Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên –Huế nhân dịp năm học mới đã viết thư ngỏ đến các trường học trên địa bàn vận động sinh viên, học sinh mặc áo dài khi đến trường tối thiểu hai đến ba ngày trong tuần để tạo thành một điểm nhấn, một nét đẹp văn hóa. 

Lại nghe nhớ những ngày đến trường của một tà áo dài của hơn 20 năm trước đã mờ sương khói. Lẩn thẩn nghĩ nếu cho mình trẻ lại vào đúng những năm tháng ấy ở ngôi trường ấy, thế nào tôi cũng tìm mọi cách để “bắt” cô nữ sinh ấy làm người yêu chứ không chỉ biết ngắm nhìn trong nhớ nhung luyến tiếc.   

Thể nào tôi cũng mắng cô gái ấy một trận ra trò chứ không cười méo miệng khi năm nọ ở Huế, cũng là một cuộc vận động mặc áo dài đến công sở. Và cô ấy ghé tai tôi thì thầm “em không mặc được vì ngày mô giữa buổi cũng trốn việc đi chợ nấu cơm hầu chồng”…

Theo Lao động

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Đơn vị thực hiện: Báo Phụ nữ Việt Nam

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 11/GP-TTĐT Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 14 tháng 02 năm 2015.

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh

PNVNNUOCNGOAI không chịu trách nhiệm về những liên kết mở rộng

Liên hệ

pnvnnuocngoai@gmail.com

47 Hàng Chuối - Hà Nội - Việt Nam

(+84) 024 3971 3500

© 2014, Bản quyền thuộc về Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Đơn vị thực hiện: Báo Phụ nữ Việt Nam

PNVNNUOCNGOAI không chịu trách nhiệm về những liên kết mở rộng

© 2014, Bản quyền thuộc về Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

   

47 Hàng Chuối - Hà Nội - Việt Nam

(+84) 024 3971 3500

pnvnnuocngoai@gmail.com