Trong chương trình "Thiếu niên nói" tại Trung Quốc cách đây không lâu, một cô bé lớp 3 họ Lưu kể lại câu chuyện của gia đình mình, đặc biệt là từ khi có thêm em gái ra đời.

"Kể từ khi có em gái, bố và mẹ đều ở bên em mỗi ngày. Cháu khó có thể gặp mẹ vào mỗi sáng vì bà bận chăm em", cô bé bắt đầu câu chuyện của mình.

Cô bé họ Lưu trong chương trình "Thiếu niên nói" kể về sự lạnh nhạt của mẹ dành cho mình sau khi sinh em gái. Ảnh: sohu.

Bé Lưu kể tiếp, một lần người mẹ hứa sẽ đến đón em khi tan học nhưng rồi em chờ mãi không thấy đến. Cô giáo gọi điện, người mẹ nói rằng: "Tôi quên mất, tôi cứ nghĩ là Lưu đã về đến nhà rồi".

Câu nói của người mẹ cho thấy, dường như bé Lưu "vô hình" trong chính gia đình mình.

Khi đứng trên bục dành cho người kể chuyện, có mẹ đứng phía dưới, cô bé lớp 3 đã khóc và cầu xin: "Mẹ có thể dành một chút thời gian cho con không?". Người mẹ đứng dưới sân khấu ngập ngừng: "Em nhỏ hơn con, có lẽ mẹ sẽ yêu em hơn một chút, mẹ nghĩ là con sẽ hiểu".

Cô gái nhỏ vặn các ngón tay vào nhau, nước mắt lưng tròng, tiếp tục cầu xin "Con biết, con không đòi hỏi bất kỳ điều gì, chỉ muốn mẹ cho con chút thời gian mà thôi".

Đối với những đứa trẻ như Lưu, cô bé từng được hưởng trọn tình yêu từ cha mẹ cho đến khi em gái xuất hiện. Hiện tại tình yêu và sự quan tâm dành cho cô bé ngày càng ít đi. Đó chính là sự mất mát to lớn trong tâm hồn con trẻ.

Và Lưu đang đấu tranh cho sự đồng hành của cha mẹ trong cuộc sống sau này của mình.

Tất cả cha mẹ trước khi sinh con thứ hai, đều nói rằng họ sẽ không thiên vị con cái. Thế nhưng thực tế lại rất khác.

Cô Vương - một bà mẹ đến từ thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc kể rằng, cô từng nghĩ không ai có thể thay thế con gái 10 tuổi trong trái tim mình. Khi mang thai đứa con thứ hai, cô cũng tự nhủ, phải thương yêu con gái hơn bởi cô bé sẽ phải chia sẻ sự quan tâm của mẹ khi có em.

"Tôi ngủ với đứa em, con chị gầm lên ghen tỵ. Không thể nào làm cho con gái nguôi cơn giận dữ", bà mẹ chia sẻ những ngày đầu sinh bé thứ hai.

Thậm chí khi cho bé con ăn sữa, cô con gái lớn yêu cầu mẹ chơi xếp hình cùng mình nhưng bị từ chối. Cô bé tỏ ra tức giận rồi gào khóc: "Con cũng là con của mẹ mà".

Những lời nói của con gái khiến trái tim Vương quặn thắt nhưng cô không biết nên làm gì tiếp theo. Suốt thời gian dài, tâm trạng người mẹ luẩn quẩn trong sự cáu kỉnh, mắng mỏ rồi lại mặc cảm vì không thể chia sẻ đều tình cảm cho hai con.

Hậu quả là cô con gái lớn 10 tuổi có ý định bỏ nhà đi. Sự việc bị phát hiện, người mẹ đã phải xin lỗi con gái trong nước mắt. "Mẹ sẽ thay đổi. Con biết mà, giọng mẹ bình thường đã to chứ không phải mắng mỏ gì con đâu. Không phải mẹ yêu em hơn, em có gì con cũng có mà", người mẹ thuyết phục khi con gái rất cương quyết. 

Cô bé 10 tuổi nhận ra sự thiên vị "con yêu, con ghét" của mẹ từ khi em trai ra đời 2 năm trước. Sự bất bình, cảm giác ức chế tích lũy dài ngày dẫn đến hệ quả trên.

Ở sự việc này, cô Vương cũng đấu tranh để duy trì sự công bằng giữa hai đứa con "Em có gì em có nấy", nhưng tại sao đứa trẻ vẫn không hài lòng? Thực tế, sự bình đẳng ở trẻ không chỉ có quần áo và đồ chơi giống nhau, cái chúng quan tâm là sự thấu hiểu tới tâm lý của chúng.

Có thể ban đầu, bố mẹ không cố tình dành tình cảm cho đứa con nào nhiều hơn. Ban đầu có thể chỉ vì đứa trẻ thứ hai cần dành nhiều thời gian và sức lực để chăm sóc hơn. Nhưng dần bố mẹ lại nhận ra, đứa trẻ thứ hai mềm mại, ngọt ngào hơn trong khi đứa đầu lại ngang bướng, ích kỷ.

Bất kể người lớn có thừa nhận hay không, nhưng sự cân bằng trong việc đối xử với con cái bắt đầu có dấu hiệu... lệch pha.

"Từ đây, cái gọi là bình đẳng trong việc đối xử giữa những đứa trẻ sẽ trở thành lời nói dối", một chuyên gia xã hội học Trung Quốc nhận định.

Một nghiên cứu của đại học California của Mỹ chỉ ra rằng, có đến 65-70% cha mẹ sẽ vô tình yêu một đứa trẻ hơn đứa con lại, dù đó đều là con ruột của họ.

Có lẽ cha mẹ không thừa nhận điều này, nhưng trẻ con rất nhạy cảm và chúng bắt đầu có những so sánh rồi oán trách.

Sau khi cãi nhau với đứa em trai vì tranh giành món đồ chơi nhỏ, bố bênh em, một cậu bé 10 tuổi ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên đã trèo lên lan can rồi nhảy xuống. Mong muốn của cậu là bị thương để nhận được sự quan tâm từ người lớn nhiều hơn. 

Sự thiên vị dù vô tình hay cố ý của người lớn thường mang đến hậu quả nặng nề, khiến những đứa trẻ bị phân biệt đối xử nghi ngờ bản thân, rằng "Bố mẹ không yêu mình, mình đã bị ra rìa chẳng?". Nếu có, đó là cách đối xử tàn nhẫn nhất với một đứa trẻ.

Một đứa trẻ được bao quanh bởi cảm giác an toàn không sợ chia sẻ tình yêu với người khác.

Một người mẹ có một món ăn vặt trong tay, nói với hai đứa con sinh đôi của cô "Ai lấy nhanh, người đó sẽ được ăn".

Kết quả, anh trai chiến thắng trong niềm vui sướng, chuẩn bị thưởng thức chiến lợi phẩm vừa lấy được. Người bố nhìn thấy con gái không lấy được đồ, khóc ăn vạ liền mắng anh: "Em đang không vui, con chia cho em với".

Sau đó không để người anh đồng ý, ông bố chạy lại giằng đồ ăn từ tay con trai và chia cho con gái một nửa. Cậu con trai phẫn nộ, chạy lại phía bố hét lớn: "Bố trả lại con".

Hành động của đứa trẻ này chỉ ra rằng, nó không chỉ chiến đấu vì đồ ăn vặt mà là thái độ của người cha. Hành vi của người bố cũng ngầm khẳng định: "Bất kể con muốn hay không, cũng phải để em vui".

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Phó Thủ Nhĩ từng nói: "Khi đứa trẻ có 100 viên kẹo trong tay, chúng sẽ vui vẻ chia sẻ. Nhưng khi chỉ có 2 viên, vậy lý do gì để chúng hào phóng chia cho bạn khác?".

Nhường nhịn phải xuất phát từ sự tự nguyện. Nếu xuất phát từ sự ép buộc của người lớn, đứa trẻ sẽ tổn thương và nghĩ rằng, mình không được yêu thương.

Nhà tâm lý học Lawrence Cohen từng nói: "Trẻ em cần nhận được sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ, giống như chiếc cốc cần trữ nước liên tục. Gia đình cần đong đếm cân bằng tình yêu vào những chiếc cốc của các con".

                       Gia đình diễn viên Tôn Lệ- Đặng Siêu và hai con. Ảnh: sohu.

Vai trò của cha mẹ là yêu thương mọi đứa trẻ. Tình yêu là bình đẳng, nhưng nội dung và hình thức có thể khác nhau.

Trong sinh nhật lần thứ 6 của Hoa Hoa - con gái thứ hai của cặp diễn viên quyền lực Trung Quốc, Tôn Lệ - Đặng Siêu, cô bé ước "Con mong mẹ sinh cho con một em bé".

Không như nhiều cặp anh em hay tị nạnh, tranh giành nhau, con trai lớn và con gái thứ hai của cặp diễn viên này rất hòa thuận. Theo Tôn Lệ, ngay khi mang thai lần 2, cô đã nói với chồng: "Phải quan tâm tới con lớn nhiều hơn".

Sự quan tâm của người mẹ này thể hiện ở việc, trao quyền đặt tên em gái cho con trai Đẳng Đẳng. Trong bữa tiệc tròn 100 ngày em gái, trên tấm pano chúc mừng, Tôn Lệ còn ghi "Bữa tiệc của anh trai 33 tháng tuổi".

Đẳng Đẳng thường được mẹ nhờ dạy em gái làm những việc vặt trong nhà. "Tôi để con trai trở thành giáo viên của chính em gái mình. Chúng sẽ quan tâm và yêu thương nhau hơn từ những hành động như thế", nữ diễn viên chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: "Đối xử công bằng được đo bằng sự hài lòng mà cha mẹ dành cho những đứa trẻ của mình".

Nhà tâm lý học Heim G. Ginot từng nói, khi trẻ con được nâng niu, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ và coi trọng gia đình hơn.

"Những đứa trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ bởi tình yêu sẽ không coi người khác là mối đe dọa. Giữa chân và tay không thể phân biệt bộ phận nào quan trọng, nên quan tâm hơn. Nó giống như tình yêu giữa những đứa con vậy", ông nói.

Theo vnexpress