Thầy Nguyễn Thành Ngọc (ở giữa) cùng học sinh trên lớp học

Hành trình lập nghiệp

Nảy sinh tình cảm đặc biệt với con người và đất nước Lào từ khi còn là sinh viên Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chàng trai quê Bắc Giang bắt đầu nung nấu ý định sang Lào để lập nghiệp. Từng kết thân và dạy tiếng Việt cho nhiều sinh viên Lào học tại trường, sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, anh Ngọc đã thực hiện một chuyến du lịch tới thăm đất nước mà mình đã dành rất nhiều tình cảm.

Tháng 2/2014, chàng trai sinh năm 1991 quyết tâm một mình sang Vientiane bắt đầu cuộc sống tự lập. Không có người thân ở một nơi xa lạ, với vốn tiếng Lào ít ỏi, anh xin làm thêm ở một khánh sạn của Việt kiều. Làm việc được ba tháng, anh Ngọc quyết định nộp đơn vào Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du. Vì có bằng nghiệp vụ sư phạm nên anh đã được nhận vào công tác ngay. Từ đó, anh luôn cố gắng vừa học tiếng Lào ở Đại học Quốc gia Lào vừa giảng dạy ở trường. Năm 2016, Ngọc đã tốt nghiệp lớp tiếng Lào và hiện anh có thể giảng dạy và nói thành thạo cả hai ngôn ngữ Lào – Việt.

Khởi công xây dựng vào năm 2007, trường Việt kiều Nguyễn Du được mang tên mới là Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du từ năm 2014 theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước. Thầy giáo Ngọc thấy mình may mắn vì được công tác ở ngôi trường có sứ mệnh giúp các thế hệ con em cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào giữ gìn tiếng nói, chữ viết, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cội nguồn của dân tộc và góp phần vun đắp cho quan hệ hai nước.

Mười năm qua, ngôi trường song ngữ này đã gặt hái nhiều thành công trong giảng dạy và trở thành một trong mười trường đứng đầu ở Lào với số lượng học sinh giỏi chiếm tỷ lệ cao. Đây không chỉ là nơi truyền bá, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa quê hương mà còn là địa chỉ gặp gỡ quen thuộc của bà con Việt kiều ở đất nước triệu voi.

Trăn trở gieo con chữ

Chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt, Ngọc cho biết: “Gắn bó hơn ba năm qua, càng ngày tôi càng thấy yêu thích công việc ý nghĩa này. Mỗi ngày, niềm vui được gieo chữ Việt cho con em kiều bào khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này, góp công sức xây cây cầu nối giáo dục và văn hóa giữa hai nước”.

Hiện tại, anh Ngọc đang giữ chức vụ Tổ phó chuyên môn tiếng Việt của nhà trường. Điều anh thấy mừng là các học sinh anh dạy dù sinh ra trong gia đình nửa Việt nửa Lào nhưng rất có ý thức học và giữ gìn tiếng Việt. Bên cạnh việc học chữ viết và tiếng nói, các em học sinh cũng được thầy cô giới thiệu kỹ về truyền thống và văn hóa Việt. Đáng chú ý, trong số học sinh của trường còn có hơn 40% con em người Lào. Các em chủ yếu là con của cán bộ, sĩ quan quân đội… được cha mẹ tin tưởng gửi học tại trường Nguyễn Du, cũng như có cơ hội được tiếp cận tiếng Việt và hiểu biết hơn về Việt Nam.

Tuy nhiên, vì là trường tư do Hội người Việt tại Vientiane quản lý nên Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du không được cấp ngân sách Nhà nước hàng năm. Hiện ngôi trường có 1.600 học sinh và khoảng 100 giáo viên, trong đó có 20 thầy cô giáo người Việt Nam. Vấn đề khó khăn là số lượng học sinh tăng lên từng năm, nhưng cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng kịp và tài chính phụ thuộc chủ yếu vào sự đóng góp của phụ huynh. Ngoài ra, nhiều giáo viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ và chuyên môn để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ truyền đạt kiến thức về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt.

Chia sẻ về khó khăn riêng của bản thân, anh Ngọc cho biết, hiện nay, giấy tờ hợp pháp của anh ở Lào vẫn chưa có. Dù được Hội người Việt ở Vientiane bảo lãnh nhưng trên pháp lý anh vẫn phải dùng hộ chiếu để ở lại giảng dạy. Đây là điều thầy giáo trẻ cảm thấy lo lắng nhất và mong muốn được nhận sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng hai bên để có thể yên tâm công tác.

Một trăn trở khác của anh Ngọc là sách giáo khoa và phương tiện học tập của các em hiện vẫn còn thiếu thốn. Anh cho biết, các thầy cô ở Lào cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn về thiết bị và các tài liệu giảng dạy, đặc biệt là nguyện vọng được về Việt Nam bồi dưỡng dài hạn để có thể giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào hiệu quả hơn.

                                                                    Theo Thế giới và Việt Nam