Trẻ em Việt ở Kiev

Tôi đã từng tình cờ gặp những nhóm người vốn dĩ có gốc gác Triều Tiên. Điều khá ngạc nhiên là lúc nói chuyện với nhau, họ đều dùng tiếng Nga. Tôi tò mò hỏi thì được biết tiếng Nga là ngôn ngữ chính thống của họ,  còn tiếng Triều Tiên thì ngay đến những bậc cao niên nhất cũng không biết và những gì để nhận biết về họ chỉ còn là vóc dáng gốc Á. Như vậy, có thể nói một bộ phận người Triều Tiên đã bị đồng hóa hoàn toàn với người bản địa bởi mất đi ngôn ngữ mẹ đẻ.

Thực trạng ở Kiev

Có một thực tế ở Ukraine là khi  chưa đến tuổi đi học, trẻ em Việt nói tiếng Việt khá trơn tru lưu loát, nhưng khi đã đi học rồi, tiếng Việt ngày càng kém đi. Hiện nay, trong các sự kiện tập trung cộng đồng hoặc từng nhóm gia đình, ai cũng dễ nhận thấy thế hệ con cháu thường túm tụm thành nhóm riêng và hầu như không sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với nhau. Chúng chỉ nói tiếng Nga hoặc Ukraine và khi bị người lớn khiển trách, chúng nói rằng “không dùng tiếng Việt vì khó diễn tả hết ý”.

Điều đáng lo ngại đối với mỗi gia đình là khi con cái và cha mẹ xa cách nhau, không hiểu nhau, mỗi khi tan trường về nhà, trừ bữa cơm gia đình quây quần, còn lại trẻ em thường sống thu mình trong góc riêng. Nhiều cháu còn vùi đầu vào mạng Internet và chơi game. Tất yếu, các cháu sẽ dần quên tiếng mẹ đẻ. Giai đoạn học phổ thông, cái nguy hại chưa thật rõ ràng, nhưng đến khi học Đại học, tiếng Việt sẽ thực sự trở thành vấn đề nan giải.

Nhìn vào sự bất ổn của Ukraine từ mấy năm nay, cơ hội để con em người Việt tìm được việc làm ngay trên mảnh đất này  vô cùng khó khăn. Không ít bậc cha mẹ đã hướng cho con học xong sẽ trở về Tổ quốc tìm việc. Tuy nhiên, điều buồn nhất là có nhiều cháu, dù tốt nghiệp xuất sắc ở các trường bên này, nhưng vì không đủ khả năng tiếng Việt, đã bị loại khi phỏng vấn xin việc.

Từ thực trạng tiếng Việt của con em cộng đồng tại Kiev, chúng ta có thể hình dung ra cảnh tượng như sau: khi thế hệ thứ nhất về với tổ tiên, thế hệ thứ hai giao tiếp chỉ bằng ngôn ngữ bản địa và chắc chắn, họ sẽ không dạy con mình tiếng Việt bởi bản thân họ biết rất ít. Như vậy, thế hệ thứ ba trở đi sẽ hoàn toàn không dùng một chút nào nữa, khác gì mất gốc. Và hiện tượng đồng hóa  sẽ đến trong một ngày không xa.

Vì đâu nên nỗi?

Một số cha mẹ nghĩ rằng con mình là người Việt, lo gì không biết tiếng Việt nên để các con phát triển tự nhiên, không quan tâm đúng mức. Vì vậy, khi các con từ mấy tháng tuổi, họ đã thuê bảo mẫu người địa phương chăm sóc con cho tới khi đến trường, hoặc gửi luôn con ở nhà bảo mẫu. Ngôn ngữ bản địa ngấm dần vào các con từ thuở nằm nôi.

Đặc thù cộng đồng người Việt tại Kiev sống rải rác ở các căn hộ, chứ không tập trung thành làng như ở thành phố Kharkov hoặc Odessa nên giao lưu giữa con  trẻ cũng ít nhiều bị hạn chế. Trẻ em sống trong môi trường học với các bạn là người bản địa, học tiếng bản địa, nhất là càng lên lớp trên phải học thêm nhiều ngoại ngữ khác nhau cũng ảnh hưởng tới tiếng Việt.

Hơn nữa, có những  gia đình, phụ huynh còn dùng tiếng Nga để nói chuyện với con vì thấy con không hiểu hết tiếng Việt. Những cuộc mưu sinh cứ cuốn các bậc cha mẹ đi, khiến họ không thể sâu sát việc học của con. Có người lại chỉ chú trọng cho con học thêm các bộ môn khác, không quan tâm đúng mức đến việc rèn tiếng Việt. Đáng lo hơn, trẻ em Việt tại Kiev không được học tiếng Việt từ bậc tiểu học vì thiếu thầy, cô giảng dạy theo giáo trình cơ bản một cách hệ thống.

Cần giải pháp tổng thể

Lâu nay trong cộng đồng, một số cha mẹ tự dạy tiếng Việt cho con hoặc tìm thuê thầy cô về nhà dạy riêng; một số có điều kiện hơn cho con về Việt Nam học vào dịp hè. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện tại, việc cho con về nước học tiếng Việt đã trở nên xa vời với nhiều người.

Thực tế, một số bậc cha mẹ khi con vào đại học đã cho con về Việt Nam học theo diện trao đổi sinh viên giữa hai nước hoặc giữa các trường đại học với nhau. Khi tốt nghiệp xong, các con có thể có cơ hội tìm được việc làm trong nước, hoặc nếu quay trở lại Ukraine, các con vẫn hoàn toàn làm chủ được tiếng Việt cả viết và nói. Ở khu vực Troeshina (quận Desnhiansk) có trường phổ thông số 251 mang tên Hồ Chí Minh. Cách đây khoảng 10 năm, nhà trường cũng đã đào tạo được vài ba khóa tiếng Việt. Nhưng  vì thiếu thầy cô giáo và một phần cũng do các bậc phụ huynh chưa thấy hết tầm quan trọng của việc học tiếng Việt, các lớp đã phải tạm dừng hoạt động. Đến nay, lớp học tiếng Việt này đã được khôi phục lại nhưng chỉ là giải pháp tạm thời với sự tham gia của tám cháu nhỏ.

Ở Kiev, tôi thấy thuận lợi lớn chính là nguồn cung giáo viên từ các thầy cô giáo ở bộ môn tiếng Việt - Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko Kiev. Thậm chí, các em sinh viên năm cuối khoa Tiếng Việt cũng có đủ khả năng truyền giảng cho trẻ em tiểu học. Học phí do phụ huynh “tự lực cánh sinh” là chủ yếu. Họ rất cần có sự chung sức của các tổ chức hội, đoàn với các sinh hoạt cộng đồng như Trại hè thanh thiếu niên, Rằm Trung Thu, các cuộc thi nói, viết tiếng Việt...

Song, điều quan trọng và tốt nhất là phải tạo được nguồn giáo viên lâu dài từ chính thế hệ con em. Muốn vậy, phụ huynh có thể xin cho con em mình vào học tự túc môn tiếng Việt tại trường Taras Shevchenko hoặc đăng ký về Việt Nam theo chương trình trao đổi. Việc cần thiết  là thành lập một quỹ học tiếng Việt được xã hội hóa, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, hội đoàn, các mạnh thường quân... để mua sách vở giáo khoa, tài liệu, cũng như giáo cụ trực quan hỗ trợ công tác giảng dạy và khen thưởng.

                                                                                                    Theo Thế giới và Việt Nam