Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, cùng với việc công nghệ, mạng xã hội phát triển, nhiều phụ huynh học sinh can thiệp quá sâu vào công tác đứng lớp của giáo viên gây ra rất nhiều áp lực cho một bộ phận những lực lượng "trồng người" của đất nước.

Công nghệ đang hỗ trợ cha mẹ lạm quyền

Tiêu biểu, vừa qua, chuyện một nam sinh bị cô giáo phạt ngồi học dưới nền nhà vì quên khăn quàng đỏ (ở Thanh Hóa) khiến phụ huynh bức xúc, đưa lên mạng xã hội. Giáo viên phải nhận sai và đến xin lỗi phụ huynh. Nhiều người lên tiếng cho rằng cô giáo phạt học trò như vậy là phản giáo dục. Một luồng dư luận khác lại cho rằng, cha mẹ bênh con như vậy bằng mười hại con.

Là một giáo viên, cũng là một người mẹ - tôi cho rằng, nếu như không cho người thầy cái quyền được dạy dỗ, uốn nắn học trò, vậy chúng tôi phải dạy học sinh làm sao để vừa lòng phụ huynh? Trong câu chuyện này, tôi nghĩ, thứ nhất, phụ huynh đang bênh con thái quá. Thứ hai, trẻ chưa nhận thức được ý nghĩa của việc đeo khăn quàng đỏ.

Tôi cứ thắc mắc tại sao phụ huynh có vẻ phản ứng dữ dội mỗi khi con bị cô giáo phạt, dù nặng hay nhẹ? Xưa, trẻ bị phạt nhiều nhưng những đứa trẻ ấy vẫn nên người và không oán hận thầy cô. Còn hiện nay, có chuyện là phụ huynh lại đưa lên mạng xã hội, oán trách thầy cô hết lời. Có phải vì công nghệ thời nay đang ủng hộ sự can thiệp lạm quyền của phụ huynh?

Việc ngày càng có nhiều phụ huynh làm lớn chuyện nên giáo viên cảm thấy rất áp lực khi đứng lớp. Có lúc tôi cũng căng thẳng, không tự tin khi “xử lý” các học trò mắc lỗi. Tôi đành chọn giải pháp an toàn, đó là kiềm chế để yên thân.

Tôi cũng từng bị phụ huynh dọa đuổi việc khi yêu cầu học sinh đứng quay mặt vào tường do thường xuyên đi học muộn. Tôi không biết ở nhà phụ huynh sẽ giáo dục con thế nào? Hay phụ huynh làm ngơ khi con phạm lỗi? Và phụ huynh cho đó là hành động có giáo dục khi dạy con? Phụ huynh tin như vậy thì con sẽ không bị tổn thương?

Phụ huynh cần một cái đầu lạnh, tỉnh táo để phán đoán, để suy nghĩ, đừng theo hiệu ứng đám đông “dắt mũi” dễ việc nhỏ hóa to. Học sinh mắc lỗi mà giáo viên nhận sai và xin lỗi gia đình, liệu đứa trẻ ấy sẽ thấy được gì qua hành động xin lỗi?Tôi không đồng tình với việc dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ. Nhưng tôi chỉ mong phụ huynh hãy cho chúng tôi được làm người thầy đúng nghĩa. Con có thành người hay không khi sai mà không biết mình sai ở đâu? Đã khi nào, cha mẹ cho chúng tôi được thực hiện nhiệm vụ của mình? Có bao nhiêu cách dạy trẻ thành người, nhưng không cho con được chịu phạt ở lớp khi mắc lỗi, liệu người lớn đã đúng?

Hãy để giáo viên được làm đúng vai trò của mình

Thà trẻ mất một buổi học còn tốt hơn mất đạo đức của một người. Phụ huynh lo sợ con bị phạt vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý, mặc cảm. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, điều đáng sợ hơn chính là cách phụ huynh lên tiếng đòi quyền lợi cho con. Phải chăng cách giáo dục của một số bậc cha mẹ đang có vấn đề? Chính chúng ta đang tạo cảm giác con mình là “ông hoàng, bà chúa”?

Phải chăng ý nghĩa giáo dục của việc kỷ luật học trò đang lỏng lẻo? Là giáo viên, đôi lúc tôi cảm thấy không biết thế nào để làm tròn vai của mình, vừa dạy được học trò, vừa làm vừa lòng phụ huynh.

Muốn dạy con tốt trước tiên, cha mẹ phải là tấm gương và phải biết tôn trọng giáo viên. Khi cha mẹ không tôn trọng giáo viên thì sao dám mong trẻ tôn trọng người dạy mình? Có lẽ, ngoài học chữ, quan trọng hơn cả là trẻ học để biết tự hào và tự tin hơn về mình. Biết rằng trẻ bị phạt ngồi dưới nền nhà không dễ chịu chút nào nhưng mỗi giáo viên có một cách giáo dục học sinh khác nhau. Học sinh cần được tôn trọng khi đến lớp nhưng giáo viên cũng cần được tôn trọng khi đứng lớp. Ai trong nghề mới hiểu được khi một giáo viên không tâm huyết nếu chỉ dạy theo kiểu “tối ngày đầy công”, né học trò, sợ phụ huynh… sẽ như thế nào!Tôi hiểu, cái khăn quàng đỏ không nói lên nhân cách của một đứa trẻ và việc bắt phạt của cô giáo chỉ là hình thức đưa trẻ vào nề nếp. Có lẽ giáo viên và cả phụ huynh cũng mang một phần trách nhiệm trong chuyện này. Phải chăng, không ít em chưa hiểu hết ý nghĩa, niềm vinh dự khi được mang chiếc khăn quàng đỏ? Chỉ khi đứa trẻ tự giác sẽ không quên. Còn nếu chỉ khi bắt các em mang khăn quàng đỏ như một quy ước bắt buộc, theo quy chế thì sẽ còn nhiều trẻ quên như nam sinh đó. Vì thế, nếu giáo dục trẻ không đúng cách sẽ tạo ra sự phản kháng. Đến khi trẻ mắc lỗi, giáo viên không được “đụng chạm”. Vậy liệu trẻ có thể thành người không khi ở nhà, cha mẹ không uốn nắn; khi đến lớp, giáo viên cũng không được dạy dỗ?

Có lúc tôi tự bảo vệ mình bằng cách sẽ tự hít một hơi thật sâu để kiềm chế bản thân, sẽ học cách làm ngơ khi học sinh mắc lỗi. Nhưng tiết dạy ấy thật nặng nề. Tôi cảm thấy có lỗi khi không giúp học sinh nhận ra cái sai của mình, để rồi những cái sai sau nối tiếp cái sai trước.

Ai đó nói, nghề trồng người đòi hỏi người trồng phải bản lĩnh, phải biết kiềm chế, phải biết yêu thương học sinh như con mình. Tuy nhiên, nếu yêu học sinh mà thấy trẻ sai không dám uốn, không dám phạt, cứ làm ngơ có phải là yêu?

Nghề trồng người thật lắm chông gai. Tôi không hiểu nếu học sinh vi phạm sẽ phải phạt như thế nào cho đúng, cho vừa lòng phụ huynh?

Theo Thế giới và Việt Nam