Đoàn Thanh Tài (vai Nhành), Hoàng Vân Anh (vai Thanh) trong vở Sài Gòn có một ngã tư

Sài Gòn có một ngã tư
 (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) được cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc.

Nghệ sĩ Ái Như cho biết để tìm kiếm nguồn kịch bản hay hết sức khan hiếm hiện nay, chị, nghệ sĩ Thành Hội, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoa Hiền phải cố gắng tìm đọc các truyện ngắn. 

Thấy truyện ngắn nào có ý tứ hay là đem ra cùng bàn bạc xem có thể phát triển thành kịch bản kịch nói không.

"Truyện ngắn Ừ đi. Ừ! được đạo diễn Thành Hội phát hiện đầu tiên. Thấy truyện có ý hay nên chúng tôi đã sang nhà xuất bản Trẻ xin phép nhà văn Trần Kim Trắc cho chúng tôi cảm tác thành kịch bản Sài Gòn có một ngã tư. 

Với kịch bản này, chúng tôi muốn làm gì đó mang không gian, cái tình của người Sài Gòn lên sân khấu như kiểu vở 29 anh về mà Hoàng Thái Thanh đã từng dàn dựng. 

Người Sài Gòn bộc trực, nghĩa khí và rất tình cảm. Cũng có những lúc họ nhỏ nhen, ích kỷ nhưng gặp chuyện sẽ chung tay sẻ chia, giúp đỡ…" Ái Như nói về vở diễn.

Sài Gòn có một ngã tư lấy bối cảnh ở một xóm Ngã tư Quốc tế luôn ồn ào, náo nhiệt. Trong cái xóm lao động đó tập trung đủ hạng người dưới đáy của xã hội. 

Ở đó có cô Thanh (Hoàng Vân Anh đóng) làm nghề buôn phấn bán hương, gặp được Nhành (Đoàn Thanh Tài), Thanh cảm mến rồi hoàn lương theo anh về xóm nhỏ làm nghề đổ rác vất vả, dù ban đầu bị ông Thông đạp xe ba gác (NSƯT Thành Hội), ba của Nhành phản đối kịch liệt.

Ở xóm nhỏ đó còn có bà Tám Nở (nghệ sĩ Ái Như) , anh hớt tóc Thời (Thế Hải), thầy Hai Tú Tài (Tấn Đạt), cô Lựu Sương Sa (Ngọc Duyên), chị bánh mì chiên (Khánh Vân)… những con người nghèo khó, ít học có thể ganh nhau từng chút nhưng gặp chuyện thì cũng nghĩa hiệp, sẻ chia hết mình.

Một ngày con chó cưng của ông Thông bị xe bắt chó bắt mất. Con chó như người bạn hủ hỉ với ông Thông, mất nó ông buồn đứt ruột. Thấy cha chồng rầu rĩ, cô Thanh đã có một quyết định…

Nghệ sĩ Ái Như cho biết thêm lúc cảm tác truyện ngắn này, ê kíp chỉ quan tâm vì truyện có tứ hay. Đến lúc hoàn thành xong, mọi người ngớ ra năm sau là năm Mậu Tuất, vì vậy hình ảnh con chó xuất hiện trong vở Tết năm nay như một cái duyên tình cờ. 

Một vở kịch hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả hình ảnh, tình người Sài Gòn thật dung dị, nồng ấm trong hương xuân đang về…

Theo Tuổi trẻ