Kỳ nghỉ làm bài tập
 

Như nhiều quốc gia khác, năm học ở Nhật được chia làm 3 kì. Học sinh tiểu học bắt đầu khai giảng vào tuần thứ hai của tháng 4 và kì I kết thúc vào khoảng 20/7. Kì II sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8 cho đến kì nghỉ đông vào 23/12, và kì cuối gói gọn từ tuần thứ 2 của tháng 1 năm sau đến cuối tháng 3.

Ngoại trừ những ngày lễ, tết và kỉ niệm thành lập trường thì không có ngày nghỉ nào nữa mặc dù học sinh thường phải trang trí và sắp xếp cho các sự kiện của trường học tổ chức vào cuối tuần. Các kì nghỉ cũng khác nhau đối với mỗi vùng. Ví dụ với những vùng tuyết rơi dày thì kì nghỉ ngắn hơn nơi khác 2 tuần. Giữa kỳ I và kỳ II, các bé được nghỉ hơn một tháng hè. Thật thú vị, giáo dục nước này gọi tên kỳ nghỉ này là “kỳ nghỉ làm bài tập”.


Học sinh tham gia thảo luận nhóm trong giờ học môn Đạo đức tại trường Tiểu học Morinosato (Thành phố Kanazawa, Nhật Bản)

Hãy tìm hiểu kỳ nghỉ bài tập của học sinh tiểu học ở Nhật để thấy có rất nhiều kiểu bài tập khác nhau. Bài tập đầu tiên là những bài tập nhằm ôn lại kiến thức các em học kì trước. Đối với học sinh tiểu học ở những lớp dưới thì thường là học thuộc bảng chữ cái Kanji, những bài toán, những bài nghiên cứu xã hội và cả những câu hỏi về khoa học đối với học sinh lớp lớn hơn. Bài tập này khá nhẹ nhàng.

Sách bài tập luyện bảng chữ kanji vào dịp hè của học sinh tiểu học Nhật Bản

Mọi sự hào hứng được tập trung vào những dạng bài tập khác, trong đó có bài tập về quan sát sự phát triển của cây trồng. Với học sinh lớp 1 có thể là rau muống, lớp 2 có thể là khoai tây. Học sinh sẽ được yêu cầu đếm số lượng hoa và quả mọc ra hay là vẽ phác họa lại sự phát triển của cây. Mục đích của những bài tập này là khiến trẻ có thói quen học tập hằng ngày, cho dù chỉ 10 phút mỗi ngày.

Một bài tập khác nữa là “jiyuu kenkyuu” hay còn gọi là bài nghiên cứu tự do. Nghe thì khá “hoành tráng”, nhưng thực chất cũng đơn giản thôi. Trẻ em sẽ chọn đề tài tự do và những bài tập thủ công thường là lựa chọn phổ biến. Có thể là một cuốn nhật kí về việc săn bắt côn trùng, hay những món đồ thủ công có thể đem bán,... đều có thể được chấp nhận.

Một nhóm học sinh tiểu học Nhật phấn khích trong chuyến tham quan vào mùa đông
 tại tỉnh Kagawa

Ngoài ra, kĩ năng đọc hiểu luôn đuợc khuyến khích đối với học sinh các độ tuổi. Vì vậy, kì nghỉ hè, học sinh Nhật Bản phải làm bài đánh giá dài 3 trang về những cuốn sách chúng đã đọc và thấy hay cũng như những tấm thẻ sách hay nên đọc (những tấm thẻ trên đó phải ghi lại những câu nói ý nghĩa trong sách).

Rất nhiều dạng bài tập khác như bài tập đọc thành tiếng, luyện đọc từ những bài thơ hoặc chính bài viết của các em ở lớp. Dạng bài tập khác cũng gây hứng thú cho các em là bài tập ghi âm, nhật kí bằng tranh về kì nghỉ hè đối với học sinh lớp dưới. Đây chính là cách tuyệt vời nhằm ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong kì nghỉ hè.

Không bỏ phí giây nào 

Những bài tập hè của học sinh Nhật Bản không chỉ đơn thuần là tìm hiểu kiến thức mà còn thông qua các kiểu ra bài tập nhằm giúp trẻ nâng cao sức khỏe, hoàn thiện một số kỹ năng như làm việc nhà, các hoạt động thường nhật suốt kì nghỉ hè. Tuy nhiên, một phương án khá mở nữa dành cho nhiều gia đình cả bố và mẹ đều bận đi làm, không có thời gian tương tác nhiều với con. Đó là hệ thống chăm sóc sau giờ học rất hữu ích, thường được thực hiện từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối.

Theo đó, nhà trường thường mở cửa cho trẻ đến chơi suốt kì nghỉ, gọi là gakudo curabu. Hệ thống chương trình koutei kaihou hoạt động sau giờ học chính và cho phép trẻ đến học và chơi với điều kiện được cha mẹ đăng kí. Ở đây, các học sinh sẽ được trông nom, chăm sóc.

Trong khi đó, với học sinh trung học, đa số các em sẽ phải đi học thêm vào kỳ nghỉ này. Đặc biệt với học sinh lớp 9, học sinh cần trau dồi kiến thức để thi vào trường cấp III. Ở Nhật, trường cấp III tốt và chất lượng thường là trường tư, học phí cao nên chất lượng học tập cũng cao, vì vậy áp lực để vào các trường này cũng khá lớn.

Trong thời gian nghỉ hè, các em thường tự ôn bài, đọc sách, đi bơi, tụ họp vui chơi cùng bạn hàng xóm tại công viên hoặc vài địa điểm vui chơi gần nhà mà phụ huynh đã thống nhất với nhau. Ở các trường học bên Nhật có tổ chức câu lạc bộ thể thao cho các em tham gia chơi bóng đá, bơi lội... Các em có thể đến trường theo giờ quy định để tham gia hoạt động câu lạc bộ.

 Phúc Nguyên

 Theo tokyo-np.co.jp