Cán bộ phóng viên, biên tập viên và các chuyên gia nước ngoài

Cách đây 20 năm, ngày 3/9/1998, chương trình phát thanh trực tiếp dành cho cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam chính thức phát sóng, đánh dấu một hướng đi mới trong sản xuất chương trình phát thanh đối ngoại. Việc có một kênh phát thanh riêng bằng các thứ tiếng để phục vụ cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam là quyết định cấp thiết và kịp thời, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của họ trong bối cảnh người nước ngoài đến Việt nam ngày càng đông sau chính sách đổi mới, mở cửa đất nước.

Những năm cuối của thập kỷ 80 ở Việt Nam, ngành phát thanh nói chung và phát thanh đối ngoại nói riêng đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để hợp với xu hướng của thời đại. Thời gian đó, các chương trình phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã quan tâm đến cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam bằng việc phát sóng các chương trình dành cho họ trên sóng trung. Nhưng các chương trình đều được thu trước giờ phát sóng. Các chương trình phát thanh trực tiếp chỉ được thực hiện trong trường hợp rất hãn hữu.

Quyết định kịp thời

Công cuộc đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ Đại hội VI và được triển khai sau đó, đã mang lại nhiều đổi thay cho đất nước. Cùng với sự khởi sắc về kinh tế, chính sách mở cửa của Việt Nam, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc, du lịch ngày càng tăng. Đi kèm theo đó là nhu cầu thông tin của họ tại Việt Nam.

Mỗi năm, VOV5 nhận được hàng chục nghìn thư, bưu thiếp của thính giả
ở khắp nơi trên thế giới gửi về. 

Ông Đinh Thế Lộc, nguyên Trưởng ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhớ lại: “Lúc đó, truyền thông, đặc biệt là truyền thông nước ngoài tại Việt Nam chưa phát triển như hiện nay, nên nhu cầu phải có kênh thông tin đặc biệt là phát thanh trên sóng FM cho người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, ở những đô thị lớn và một số điểm dân cư quan trọng, trở nên bức thiết. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ cho Ban Biên tập đối ngoại nghiên cứu, đề xuất và tiến tới thực hiện một kênh phát thanh FM, nằm trong hệ thống Phát thanh đối ngoại nhưng nó có những chức năng, nhiệm vụ rõ hơn so với những kênh khác để phục vụ đối tượng là những người nước ngoài sống tại Việt Nam.”

Sau quá trình chuẩn bị về nhân lực, vật lực, đặc biệt có sự trợ giúp của các chuyên gia Thụy Điển, chương trình phát thanh trực tiếp dành cho cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam trên sóng FM 105.5 mHz bằng tiếng Anh, chính thức ra đời. Một cách làm phát thanh đối ngoại hoàn toàn mới được thể hiện: trực tiếp, tương tác, tăng âm nhạc, thông tin chỉ dẫn và tính giải trí... trong các chương trình.

Bà Vũ Bích Ngọc, phụ trách phần nội dung chương trình ở thời điểm đó, cho biết: “Đặc thù của chương trình FM VOV5 này là phát cho những người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam nên ít nhiều họ đã biết và hiểu về Việt Nam. Vì vậy, phải chọn chương trình, tiết mục, những vấn đề họ quan tâm, họ còn ít biết về Việt Nam để tuyên truyền. Vào thời điểm đó, chương trình có 1 số chuyên mục được ưa thích như: Phòng thu trực tiếp, mời những chuyên gia và khách mời đến trao đổi những vấn đề đang nổi lên; hay tiết mục Bác sỹ của bạn. Đây cũng là tiết mục hay bởi người nước ngoài ở Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, y tế. Tiếp đó là chương trình ca nhạc, thể thao... Ngoài ra còn có mục Vấn đề hôm nay đề cập những vấn đề thời sự của Việt Nam trong ngày.”.

Sau thành công của các chương trình FM tiếng Anh trên sóng 105.5mHz, các buổi phát thanh tiếng Pháp, rồi tiếng Trung, Nga, Nhật cũng lần lượt lên sóng.

Nhìn lại thành quả của 20 năm sau buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên theo hướng hiện đại trên sóng FM 105mHz, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Đối ngoại, đánh giá: “Chương trình có ý nghĩa rất tích cực, một hướng mới cho phát thanh đối ngoại. Một chương trình mở hoàn toàn, hấp dẫn, đấy là những yếu tố tạo ra sự sống động cho chương trình phát thanh. Đây là hướng đi không thể khác vì nhu cầu của người nghe không chỉ cập nhật thông tin tức thời mà còn phải có tính giải trí.”

Kế thừa để phát triển

Những kết quả, kinh nghiệm đúc rút được sau 20 năm phát thanh trực tiếp dành cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam là nền tảng cơ bản cho sự ra đời của kênh phát thanh FM 24/7 bằng tiếng Anh liên tục trong ngày lần đầu tiên ở Việt Nam. Hiện tại 24/7 mới chỉ phát sóng từ 6h/24h nhưng tiến tới sẽ phát sóng trực tiếp 24h/ngày và 7 ngày/tuần. Chương trình FM 24/7 liên tục cập nhật tin tức, âm nhạc, giải trí ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Địa bàn phát sóng không chỉ giới hạn ở Hà nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh mà sẽ mở rộng tới tất cả các vùng đô thị trong cả nước.

Ông Đinh Thế Lộc, nguyên Trưởng ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, bày tỏ: “Tôi rất mừng là đến nay, chương trình phát thanh đối ngoại đã tiếp tục mở rộng và phát 24/7. Đó là những đường đi, nước bước rất kịp thời, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người nghe, đặc biệt là người cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng từ những bước đi ban đầu, Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là các chương trình phát thanh đối ngoại đã và đang có những bước đi tiếp tục phát triển rất tốt những điều đã có, sẵn có và đưa nó lên một tầm mới.”.

Trong tương lai, phát thanh đối ngoại ngày càng hướng tới tính chuyên biệt và đa phương tiện. Điều này là rất khả thi trên sóng FM tần số 105.5 mHz, đặc biệt là kênh tiếng Anh 24/7 tần số 104 mHz. Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Đối ngoại, cho biết: “Sắp tới, không chỉ tiếng Anh mở rộng về thời lượng phát sóng mà trên tần số 105.5 mHz một số chương trình khác cũng cần mở rộng phát sóng như tiếng Đức, Tây Ban Nha. Đối với phát sóng ra nước ngoài, ngoài 12 thứ tiếng và tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Đối ngoại cũng có kế hoạch phát triển các chương trình phát thanh tiếng Arab, Bồ Đào Nha, Hindu khi điều kiện cho phép.”

20 năm phát sóng chương trình phát thanh trực tiếp đầu tiên dành cho người nước ngoài tại Việt Nam trên tần số 105.5 mHz là dấu mốc đáng nhớ của những người làm phát thanh đối ngoại. Giờ đây họ lại tiếp tục cuộc hành trình nỗ lực sáng tạo và dấn thân trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của phát thanh hiện đại.
Theo VOV5