Thầy cô Trường Three Bridges chụp ảnh cùng phó hiệu trưởng Jeremy Hannay (bìa phải) 


"Một đội ngũ giáo viên hạnh phúc sẽ tạo ra một ngôi trường hạnh phúc", Jeremy Hannay - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Three Bridges ở Southall, tây London, nói. Do đó khi đến với nước Anh từ thành phố Ontario, Canada, ông không thể tin vào những gì mình được trông thấy. 

"Tôi chưa bao giờ thấy giáo viên phải chấm điểm nhiều như thế trước khi tới nước Anh. Các trường ở Ontario giao cho giáo viên quyền tự chủ để quyết định khi nào thì việc chấm điểm là thích hợp và khi nào sử dụng phản hồi bằng miệng hay từ bạn bè sẽ là tốt hơn", ông cho biết.

"Chúng tôi đã giảm đáng kể khối lượng phản hồi bằng giấy, nhưng nhìn chung khối lượng phản hồi lại tăng lên vì các giáo viên đang làm điều đó bằng miệng, cũng như khuyến khích học sinh nghĩ xem mình đang tiến bộ như thế nào và cần làm gì điều gì tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích phản hồi giữa các học sinh với nhau".


Giờ đây, giáo viên không còn phải vất vả mang về nhà hàng đống tập để chấm điểm và thành tích của học sinh đã tăng lên. "Tôi tin rằng các hệ thống đánh giá trách nhiệm và giám sát có thể cải thiện những giáo viên chưa tốt nhưng lại làm cho phần còn lại cảm thấy ‘ngột ngạt’. 

Nó tước đi sự tự chủ cũng như sáng tạo của họ và điều đó khiến những người giỏi nhất ra đi. Các giáo viên của chúng tôi hiện có thể dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào từng em học sinh", ông nói.

Kể từ khi Trường Three Bridges áp dụng hệ thống phản hồi mới, tỉ lệ học sinh đạt chuẩn (hoặc làm tốt hơn) đối với lứa tuổi của các em đã tăng vọt từ 67% (năm 2011) lên 87% (năm 2016).

Ông cũng nỗ lực cho giáo viên nghỉ hè sớm 1 tuần để họ có thể "đặt được những kỳ nghỉ rẻ hơn", cũng như có thêm thời gian cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Với John Tomsett - một hiệu trưởng khác của Trường Huntington ở thành phố York, "ít hơn sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn". 

Năm 2010, sau ba năm dưới sự lãnh đạo của ông, tỉ lệ học sinh trường này đạt 5 GCSE (thứ hạng từ A*-C), trong đó có tiếng Anh và Toán đột nhiên bị giảm từ 60% xuống 55%. 

"Tôi ngồi trong xe giữa lúc trời mưa và khóc. Tôi cảm thấy mình là người cô đơn nhất trên hành tinh này", ông nhớ lại. 

Ngày hôm sau, ông lấy lại tinh thần và xem vì sao lại như vậy. "Năm đó, chúng tôi đã có một năm vất vả nhất, với 11 kế hoạch nâng chuẩn dành cho môn tiếng Anh và Toán. 

Không chiến lược nào mà không được sử dụng, và những gì nó gây ra là khiến học sinh mất đi trách nhiệm phải có, khiến các em bị rơi vào tình trạng ‘bị bất lực do phải chịu đựng liên tục’. 

Thế là tôi ngừng hầu hết các can thiệp của mình, đầu tư vào phát triển nghề nghiệp, tin tưởng vào sự đánh giá của đội ngũ giáo viên, và họ đã làm rất tốt", ông chia sẻ.

Tomsett đã bảo các giáo viên rằng ông không mong họ có thêm những buổi ôn tập cho kì thi GCSE trong năm nay vì những buổi này đã không có hiệu quả rõ rệt. 

"Làm sao mà 10 buổi ôn tập, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng đồng hồ sau giờ học chính thức khi các em và giáo viên đã mệt mỏi, có thể bù đắp cho sự thiếu nỗ lực của các em suốt 18 tháng trước đó được?", ông hỏi.

Còn với Lucie Stephenson - hiệu trưởng Trường tiểu học St Mary ở Sunderland, đóng cửa trường lúc 17h30, họp hàng ngày với giáo viên và có những buổi thiền chánh niệm đang làm cho ngôi trường có 472 học sinh này trở thành một nơi làm việc đầy hạnh phúc. 

"Đã có nhiều sự thay đổi, nhiều nhu cầu và nhiều quyết định vào phút chót từ chính phủ khiến cho các giáo viên lo lắng và cảm thấy không tự tin", bà nhớ lại.

"Tôi từng dạy ở nơi khác và phải mang về nhà 60-90 quyển vở để chấm vào ban đêm. Còn ở trường chúng tôi, bạn sẽ hiếm khi thấy giáo viên về nhà với một đống tập như thế vì giáo viên và các trợ giảng đi khắp cả lớp trong giờ học để có lời nhận xét dành cho từng em rồi". 

Trường đã cung cấp một chương trình dài 10 tuần gồm những buổi thiền chánh niệm để giúp đội ngũ nhân viên kiểm soát căng thẳng và lo âu. "Chúng tôi cùng tập với nhau, không ai quan trọng hơn ai và giáo viên cần cảm thấy được trân trọng", bà nói.

"Thay đổi liên tục trong chính sách giáo dục khiến cho việc giảng dạy bị xao nhãng", Edward Conway - hiệu trưởng Trường trung học St Michael ở thành phố Watford, phân tích.

"Tất cả những thay đổi với chương trình học, đánh giá và thi cử đến cùng lúc làm cho khối lượng công việc cũng như sự bối rối tăng thêm. Với những thay đổi này, chúng tôi đã phải hoãn lại các việc khác, vì các giáo viên cần phải có một điều gì đó của cuộc sống và không bị kiệt sức vì quá tải vào thời điểm cuối năm", ông nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ