Minh họa: Văn Nguyễn

Bằng giọng vui vẻ xen lẫn tự hào, chị chia sẻ rằng con trai lo cho chị từ đồ ăn thức uống, nhắc nhở chị đủ thứ, còn kiêm luôn ủi đồ cho chị mặc đi làm khiến ai cũng khen chị “có số hưởng”, “có phước”, người thì khen chị “khéo dạy con”.

Dễ hiểu thôi vì người Việt chúng ta vốn có “truyền thống” nước mắt chảy xuôi, cha mẹ lo cho con cái đến tận lúc mắt mờ, tay yếu, chân run chứ con cái ít khi quan tâm ngược lại cha mẹ, huống gì con trai bạn còn nhỏ lại vô tư và hồn nhiên hơn những đứa trẻ gái.

Một chị bạn khác lại kể chuyện các con chị quan tâm đến mẹ đến độ hai cô cậu đi đâu về trễ mà không thấy mẹ gọi điện hỏi han là dỗi. Chị đi đâu chưa về các con sẽ điện thoại, nhắn tin “nhắng” lên xem chị đang ở đâu, làm gì với ai, rồi nhắc mẹ về sớm... Có hôm chị đi chơi với bạn nhỡ uống bia là y rằng về đến cửa nhà thể nào cũng phải chỉnh trang lại tư thế, bình ổn cả hơi thở rồi mới từ tốn bước vào xuất hiện trước mặt chúng nó - bởi nếu không thể nào bọn nó cũng cằn nhằn mẹ chuyện về trễ nguy hiểm, chuyện đường sá bất trắc, chuyện uống bia không tốt cho sức khỏe... Chị tự trào không ít khi các con khiến chị có cảm giác chúng nó là... cha mẹ mình, nhưng càm ràm vậy thôi chứ nghe giọng chị chừng rất tự hào và hạnh phúc. Tôi hiểu, đó là thứ cảm xúc không phải bậc cha mẹ nào cũng được trải nghiệm, nhất là khi các con còn nhỏ.

Tôi tin niềm vui mà những chị bạn kể trên có được hôm nay hẳn là thành quả của quá trình dạy dỗ các con từ khi còn nhỏ chứ trẻ con không thể bỗng dưng hiểu chuyện mà biết cách cư xử. Dạy con biết quan tâm chia sẻ đến những người xung quanh thực ra không hề phức tạp cũng như một đứa trẻ biết quan tâm, chia sẻ với người khác sẽ thể hiện tấm lòng mọi lúc mọi nơi chứ không phân biệt đó là người thân hay người lạ, ở nhà hay ở ngoài. Ở từng độ tuổi, con trẻ có thể biểu hiện sự quan tâm tùy theo mức độ khác nhau. Ở tuổi mẫu giáo, hãy dạy con đừng vung vãi thức ăn ra bàn khi đi ăn tiệm để người phục vụ đỡ vất vả, đừng vứt rác ngoài đường để người lao công đỡ nhọc nhằn, nhường đồ chơi cho bạn ở lớp... Lớn hơn nữa, hãy dạy con phụ việc nhà, thăm hỏi ông bà, giúp đỡ người khó khăn hơn mình qua các hình thức thiện nguyện tùy theo khả năng...

Tập cho con dự phần vào những việc ba mẹ hoặc những người lớn khác làm để trẻ ý thức được một phần trách nhiệm, dạy con đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hiểu được sự quan tâm, chia sẻ với người khác có ý nghĩa như thế nào. Có lẽ không sai khi cho rằng chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy, ít nhất là trong khoản giáo dục con cái. Một đứa trẻ vô tâm đa phần lớn lên trong gia đình có bố mẹ không yêu thương, quan tâm đến nhau và không quan tâm đến con cái, kiểu “sống chết mặc bây”, hoặc ngược lại, cũng có thể do được cha mẹ cưng chiều quá mức khiến chúng trở nên ích kỷ, hời hợt, xem mình là trung tâm vũ trụ và xem việc người khác quan tâm, chăm sóc cho mình là hiển nhiên.

Theo thanhnien