Màu vàng của mái tóc cô gái xem tranh không khác màu vàng của khung tranh, trong khi khăn quàng cổ và màu áo của cô rất giống sắc màu của bức Đêm đầy sao trên sông Rhônecủa Vincent van Gogh

Stefan Draschan - nhiếp ảnh gia người Áo nhưng sống và làm việc tại Paris, đã dành rất nhiều thời gian trong các bảo tàng nhằm tìm kiếm những trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà người xem tranh và tác phẩm họ đang thưởng ngoạn có những nét tương đồng đáng kinh ngạc: một sự kết hợp thật hài hòa giữa màu sắc, đường nét trong tranh với trang phục, thậm chí cả màu tóc, kiểu tóc, hình dáng của người xem tranh. Nhà nhiếp ảnh đã thực hiện một dự án nghệ thuật từ phát hiện bất ngờ này của ông.

Dự án của Stefan Draschan đã được khơi nguồn vào một ngày mùa hè năm 2014, khi ông tình cờ nhìn thấy một anh chàng ăn mặc khá lập dị ngồi trước một bức tranh lập thể của Georges Braque tại Bảo tàng Berggruen ở Berlin. Đó là tác phẩm Tĩnh vật với ly thủy tinh và nhật báo, được Braque vẽ năm 1913. 6 tháng sau, tại một bảo tàng ở Munich, Draschan bắt gặp một hình ảnh ngộ nghĩnh khác: một chàng trai trông hệt như chiếc bình gốm Hy Lạp phía sau anh ta. Nhưng chỉ đến khi Draschan phát hiện một phụ nữ trong trang phục thật gần gũi với một tác phẩm của Vermeer tại Bảo tàng mỹ thuật Vienna thì dự án của ông mới hình thành rõ nét.

Ông bắt đầu tìm kiếm một cách hệ thống những sự trùng hợp như thế cho dự án nhiếp ảnh có tên “People matching artworks” (tạm dịch: “Hôn phối giữa người và tranh”).

Áo và tranh (Hồ hoa súng của Claude Monet tại Bảo tàng mỹ thuật Boston) thậm chí giống hệt nhau

Dự án được tiến hành từ đầu năm 2015 với hình ảnh được Draschan ghi lại từ nhiều bảo tàng khác nhau, chủ yếu tại các thành phố có nhiều thiết chế mỹ thuật này như Vienna, Paris, Berlin, cũng là 3 thành phố ông từng sống, quen thuộc với ông; thêm một vài bảo tàng khác ở Đức và xa hơn là ở Mỹ.

Draschan cho biết với dự án này, ngôi nhà thực sự của ông chính là các bảo tàng mỹ thuật bởi phần lớn thời gian trong ngày ông sống trong các không gian chỉ có tác phẩm nghệ thuật và khách thưởng ngoạn hầu tìm kiếm hình ảnh tốt nhất cho dự án của mình.

Phải mất bao lâu để săn được một bức ảnh như ý, “một cuộc gặp gỡ tuyệt hảo” giữa người xem và tranh? Theo Draschan, điều đó còn tùy thuộc vào sự may mắn. Có lúc chỉ mới bước vào cổng bảo tàng ông đã tìm được hình ảnh mong muốn. Nhưng có những lúc Draschan phải đợi dài cổ, như cách ông nói vui “bắt đầu đếm sao trên các bức tranh Canaletto vẽ đêm ở Venice, và phải đếm đến hơn 3.000” mới chụp được bức ảnh phù hợp.

Người xem tranh trước tác phẩm Cung điện Mula ở Venice của họa sĩ Pháp Claude Monet, thuộc sưu tập của Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ ở Washington D.C

Một số người khi xem các bức ảnh của Draschan đã tỏ vẻ nghi ngờ, cho rằng đã có sự dàn dựng bởi họ không tin lại có những sự trùng hợp lạ kỳ như thế. Nhưng Draschan khẳng định hoàn toàn không có bất kỳ sự sắp xếp, dàn cảnh nào để ghi hình. Xuất thân là một nhà nhiếp ảnh đường phố, đối với Draschan thì những khoảnh khắc bất chợt đến từ con người là quan trọng nhất và người làm nghề phải bắt thật nhanh những khoảnh khắc “trời cho” ấy, không có ngoại lệ nào khác.

Draschan chờ đợi cho đến khi có được thời khắc bằng vàng – người xem kết hợp thật ngoạn mục với tác phẩm nghệ thuật – để nhanh tay bấm máy. Ông cho biết mình yêu thích, thậm chí say mê cái cơ hội trùng hợp ngẫu nhiên ấy khi tiến hành dự án này cũng như với dự án kế tiếp về nhiếp ảnh đường phố có tên “Xe – nhà gặp gỡ” (Cars matching homes), cũng với cách làm tương tự: chờ đợi và bắt nhanh những hình ảnh có sự trùng khớp ngẫu nhiên giữa màu sắc của những chiếc xe khi đang chạy trên đường với ngôi nhà chúng vừa ngang qua.

Chiếc váy hoa của người xem tranh và một bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Bỉ Jan Brueghel the Elder (1568-1625)

Cây bút Katherine McGrath của tạp chí Architectural Digest cho ta biết rõ hơn về cách chụp ảnh trong dự án “People matching artworks” của Draschan: Sau 2 năm ghi hình tại các bảo tàng, Draschan đã có thể thấu hiểu cách thực hiện các bức ảnh như mong muốn và có thể dự đoán được những hình mẫu tiếp theo. Nếu bắt gặp đối tượng thích hợp đi ngang qua (phòng trưng bày tranh), ông sẽ đi theo họ cho tới lúc họ đứng trước một tác phẩm mà bảng màu và đường nét có những yếu tố tương đồng, trùng hợp với màu sắc, hình ảnh, hoa văn và cả kích cỡ của trang phục, đầu tóc, phụ kiện mang theo (túi xách, balô…), lúc đó ông sẽ bấm máy ngay. Nói cách khác, ban đầu chỉ là sự tình cờ phát hiện những sự trùng khớp giữa người xem và tác phẩm, nhưng sau một thời gian ghi hình thì nhà nhiếp ảnh đã biết cách “săn” những bức ảnh có được sự trùng khớp tương tự.

Dù các bức ảnh được chụp ở bảo tàng nào, với tác phẩm nào đi nữa, tất cả đều có điểm chung: hài hước và thông minh, đem lại những phút giây thật sảng khoái cho người xem. Có lẽ đó cũng là một trong những mục đích của Stefan Draschan khi thực hiện dự án nghệ thuật hết sức thú vị này.

Theo Doanh nhân Sài Gòn