Khi quyết định du học bậc thạc sĩ, phần lớn người đăng ký đã có hình dung về nhu cầu và định hướng của bản thân, cũng như mục tiêu trong phát triển nghề nghiệp. Từ đó, người học đưa ra những tiêu chí để lựa chọn điểm đến phù hợp.

Đây là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai, nên người học cần thu thập thông tin về trường học, ngành học, môi trường sống… để có sự chuẩn bị tốt nhất. Tuy nhiên, thông tin không phải lúc nào cũng có sẵn từ website của trường hoặc các nguồn sẵn có khác.

Nhiều băn khoăn chưa biết hỏi ai

Cảnh Minh, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chia sẻ: “Sau hai năm đi làm trong lĩnh vực tài chính, tôi muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến. Do đó, tôi lên kế hoạch lấy thêm bằng MBA ở các quốc gia nói tiếng Anh".

Cảnh Minh đang nhắm đến New Zealand vì nền giáo dục nước này có thứ hạng cao về chỉ số giáo dục kỹ năng tương lai. Dù đã tìm hiểu nhiều thông tin về khoá học, lộ trình học, những hỗ trợ của trường với bậc thạc sĩ, đặc biệt là sinh viên quốc tế, nhưng cô vẫn còn một số thắc mắc.

"Cách học ở New Zealand như thế nào, cần chuẩn bị kỹ năng gì trước khi đi học, có mất nhiều thời gian để thích ứng với môi trường ở đó không, kinh nghiệm làm việc của bản thân có hỗ trợ được gì khi theo học là những câu hỏi quan trọng, nhưng tôi lại không dễ tìm thấy câu trả lời", Cảnh Minh nhấn mạnh.

Còn với Thanh Chung, giảng viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng, thạc sĩ ĐH Waikato - giành học bổng Chính phủ New Zealand 2015, trăn trở lớn nhất khi chọn học thạc sĩ là vấn đề tài chính.

Cô cho biết: “Việc nâng cao trình độ học thuật vô cùng cần thiết đối với công việc giảng viên. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về vấn đề tài chính. Do đó, tôi đã quyết tâm xin học bổng để có thể thực hiện nguyện vọng du học.

Thời gian đầu vì chưa có nhiều kinh nghiệm viết bài luận, Chung chưa biết cách thể hiện được các thế mạnh của bản thân nên liên tục thất bại trong hành trình chinh phục học bổng. Nữ giảng viên liên tục tìm kiếm thông tin chia sẻ về kinh nghiệm xin học bổng của các anh chị đi trước để có thể chuẩn bị hồ sơ học bổng tốt hơn.

du hoc, thac si, new zealand anh 1

Vấn đề tài chính từng là trăn trở lớn nhất khi chọn học thạc sĩ của Thanh Chung. Ảnh:NVCC.

Dạo quanh các diễn đàn về du học, không khó bắt gặp những thắc mắc liên quan đến bậc học thạc sĩ, từ việc chọn ngành, chọn trường, xin học bổng, đến các vấn đề như chi phí sinh hoạt, nên ở ký túc xá hay ở nhà thuê, có được làm thêm hay không, cơ hội học bổng như thế nào…

Vậy người học có thể tìm thông tin ở đâu để chuẩn bị tốt nhất cho việc đi du học?

Tìm lời giải từ người trong cuộc

Ngoài thu thập thông tin từ diễn đàn, các hội nhóm du học trên mạng xã hội, theo kinh nghiệm của nhiều du học sinh, nguồn thông tin cụ thể, gần gũi và thực tế nhất chính là từ trải nghiệm của những người trong cuộc - du học sinh đã học tập và làm việc tại quốc gia đó.

Thanh Chung nhớ lại cơ duyên đưa mình đến với New Zealand: “Tình cờ tôi đã gặp và trao đổi với một chị đồng nghiệp trong trường, người vừa hoàn thành xong khóa học thạc sĩ ở New Zealand và trở về Việt Nam. Chị là cựu du học sinh Đại học Waikato và cũng nhận học bổng toàn phần của Chính phủ New Zealand. Chị đã cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng này".

Theo Chung, việc có cơ hội tiếp xúc với những người đi trước đã giúp cô có cái nhìn rõ ràng, đa chiều hơn về việc học tập ở một quốc gia hoàn toàn mới.

Chị Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand - ENZ, cho biết nhiều câu chuyện thành công của du học sinh Việt tại New Zealand đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ đang lên kế hoạch du học.

Những trải nghiệm thực tế của người đã và đang học tại xứ sở kiwi có giá trị tham khảo tốt, giúp người học hình dung trước những việc cần chuẩn bị, điều chỉnh mong đợi và kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế.

Từ đó, bạn có thể tận dụng tốt nhất thời gian du học, đồng thời thêm tự tin với chọn lựa của mình nhờ thông tin người thật việc thật.

Theo Zing