Hồ hởi “tự sướng” với Mona Lisa - Ảnh Quý Hiên

 

Chưa đến Louvre, chưa đến Paris!

Lần đầu đến Pháp, và chỉ ở chơi Paris rất ngắn ngày, nên tôi cũng không chắc là mình sẽ đến bảo tàng Louvre, khi mà trong dự định của tôi chất chứa bao địa chỉ đặc sắc của Paris được mặc định là du khách cần phải đến. Nhưng bạn tôi, một người ham thích tìm hiểu lịch sử, khá am hiểu nền văn hóa các nước châu Âu, thì khẳng định, chưa đến Louvre là chưa đến Paris. Vậy là cuối cùng tôi đã có một chuyến tham quan bảo tàng danh tiếng bậc nhất thế giới này.

Đợt ấy là mùa thu, Paris sáng nào cũng mưa, gần trưa thì ngớt và chiều là hửng nắng. Vì thế tôi ra được khỏi nhà khi đã khá muộn, đến bảo tàng Louvre là đã hơn 12 giờ. Trên sân Napoléon, trước cửa ra vào ở kim tự tháp (bằng kính và kim loại) là hai dòng người đông đúc đang đứng xếp hàng. Một dòng ngắn hơn, dành cho những du khách đã có vé (mua trực tuyến hoặc qua các đại lý), vào bảo tàng thông qua cửa ưu tiên. Tôi đứng vào cuối dòng kia, dài hơn, ngoằn ngoèo nhiều khúc với chừng khoảng mấy trăm người phía trước, nhúc nhích từng nửa bước chân một lần, để vào được sảnh chính ở tầng hầm.

Louvre mở cửa từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Vé vào cửa là 15 Euro. Riêng thứ tư và thứ sáu mở cửa đến 9 giờ 45 tối. Học sinh, sinh viên được miễn phí. Ngoài ra, bảo tàng mở thêm một suất buổi tối thứ bảy đầu tiên trong tháng, từ 6 giờ chiều đến 9 giờ 45 tối, miễn phí cho tất cả mọi du khách (chính sách này được áp dụng từ ngày 1.1.2019). Theo một hãng tin của Pháp, năm 2018, bảo tàng này đón 10,2 triệu lượt khách tham quan, trong đó 3/4 là khách nước ngoài. Trong khi đó, mỗi năm bảo tàng chỉ nghỉ chưa đến 60 ngày (bảo tàng mở cửa hàng ngày, trừ thứ ba hàng tuần và các ngày 1.1, 1.5, 25.12).

Như vậy, mỗi ngày bảo tàng Louvre đón tiếp khoảng 32,5 nghìn lượt khách tham quan. Do lượng người đã mua vé trước cũng rất đông, nên ngay cả khi đã có vé, bạn vẫn phải xếp hàng để được qua cửa. Thậm chí, vào đến trong sảnh chính, bạn vẫn phải tiếp tục xếp hàng để qua 1 trong 3 cửa soát vé (vị trí từng cửa tương ứng với ba khu vực trưng bày có tên gọi là Denon, Sully và Richelieu).

Báu vật của bảo tàng Louvre

Khi tôi vào được Denon ở tầng trệt là đã gần 2 giờ chiều. Hôm đó là chủ nhật, nên 6 giờ chiều là bảo tàng đóng cửa. Có người đã tính, nếu chỉ dành 30 giây để ngắm mỗi hiện vật, mỗi du khách phải mất 100 ngày mới xem hết bảo tàng (với khoảng 35.000 hiện vật được trưng bày). Mà tôi chỉ có 4 tiếng đồng hồ.

Nhóm khách cuối cùng trong ngày. Họ đã được đến gần nàng Mona Lisa hơn, thay vì phải đứng ngắm từ khoảng cách 4-5 mét - Ảnh Quý Hiên

Có một cách tham quan bảo tàng Louvre khá phổ biến cho những du khách lần đầu đến đây, đó là chỉ cần tìm đến những kiệt tác tiêu biểu mà sự hiện diện của chúng đã làm nên danh tiếng cho bảo tàng, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Đây là bức tranh mang đến nhiều “phiền toái” nhất cho bảo tàng chỉ vì nó quá được mến mộ. Lượng khách xem Mona Lisa quá nhiều là một cái cớ để nhân viên của bảo tàng thỉnh lại làm một cuộc đình công mà lần gần đây nhất khiến cho bảo tàng phải đóng cửa vào ngày 27.5.2019.

Nhưng tôi không muốn quá khổ sở với các kiệt tác cũng như với nàng Mona Lisa, nên chỉ đặt mục tiêu là “dạo chơi” trong các không gian nghệ thuật được sắp xếp theo tiến trình lịch sử và khu vực văn hóa, từ đó có chút ý niệm về nghệ thuật thế giới của từng thời kỳ.

Có lúc, tôi ngồi lại trong một phòng tranh vắng lặng, ngắm nhìn những mặt người vẽ cách đây nhiều thế kỷ, rồi tự hỏi họ đang nghĩ gì, liệu có những suy tư về thế cuộc, về sinh quan, giống chúng ta ngày nay không! Hoặc tha thẩn dõi theo các bước phục chế một tác phẩm điêu khắc cổ đại nào đó mà bảo tàng kỳ công giới thiệu. Hoặc vào mạng tra cứu một bức tranh mà tình cờ mình thấy rất đáng chú ý, rồi ồ lên thú vị khi biết hóa ra nó vốn đã… nổi tiếng.

Theo sơ đồ của bảo tàng thì kiệt tác Mona Lisa được trưng bày ở phòng 711, còn được gọi là Salle des États, nằm ở tầng 1. Trước cửa phòng có một sợi dây chắn ngang, một nhân viên bảo tàng đứng sẵn ở đấy, nghiêng người cúi đầu tỏ ý xin lỗi khách tham quan rồi nói (bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh): ở đây không có Mona Lisa. Nhưng nếu khách tỏ ra là không “tìm” Mona Lisa thì nhân viên bảo tàng sẽ nhấc sợi dây lên mời bạn vào.

Hóa ra kiệt tác Mona Lisa đã được dời khỏi Salle des États từ hồi tháng 7.2019. Ngay lúc đó tôi không rõ bảo tàng đã đưa “nàng” đi trưng bày ở đâu hay là cất “nàng” vào kho! Về sau mới biết hôm đó, 6.10, là ngày cuối cùng Mona Lisa tạm thời “vắng nhà” để bảo tàng sửa sang Salle des États nhằm tăng hiệu quả thẩm mĩ cũng như các biện pháp an ninh khi trưng bày bức tranh tại đây. Từ 7.10, Mona Lisa được đưa trở lại Salle des États, sau khi nền tường của căn phòng đã được sơn xanh thẫm (trước đó là màu vàng nhạt), và nơi đặt bức tranh thì đã được thay lớp kính chống đạn mới giúp cho những bức ảnh mà du khách chụp “nàng” không bị lóa.

Không định mà “gặp”

Lại trở về câu chuyện tình cờ được “gặp” nàng Mona Lisa của tôi. Sau khi xem hết cả 3 cánh tầng 1, chúng tôi lên tầng 2 (tầng cao nhất) để xem tranh ở các phòng thuộc cánh Sully. Tuy đã khá muộn, nhưng tầng này khá ít phòng so với những tầng dưới, nên tôi vòng đi vòng lại để không bị bỏ sót phòng nào ở tầng này khi mà bảo tàng vẫn chưa đóng cửa. Nhờ thế mà tôi phát hiện ở bên kia cầu thang (cánh Richelieu) vẫn còn mấy phòng trưng bày khác, nên đi sang.

Căn phòng Galerie Médicis, nơi “tạm trú” của Mona Lisa từ tháng 7 đến hết ngày 6.10.2019 - Ảnh Quý Hiên

Theo thanhnien