Thầy Mark Hanlen hướng dẫn học trò trong tiết giảng dạy môn Hải Dương Học
tại trường trung học Whatakane.

Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, nếu vai trò của người thầy chỉ đơn giản là truyền đạt tri thức, thì trong thời đại 4.0 này robot, trí tuệ nhân tạo có thể làm tốt hơn họ rất nhiều. Ngày càng có nhiều các khoá học trực tuyến như Udemy, Coursea, The Master Class… cho phép người học được tiếp xúc trực tiếp với những giáo viên là các chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, nếu muốn tra cứu bất kỳ thông tin nào, người học có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng internet ở mọi định dạng. Người thầy giáo vì thế cần phải là một “hoa tiêu” dẫn dắt học trò của mình trong biển tri thức mênh mang.

Tại New Zealand – đất nước đứng đầu thế giới về chuẩn bị học sinh sinh viên cho tương lai, các thầy cô giáo ý thức rất rõ về điều này. Với một khung chương trình chuẩn quốc gia và mục tiêu học tập của từng khối lớp, các thầy cô được phép chủ động lập giáo trình và sử dụng các công nghệ đa phương tiện để tạo môi trường học tập tốt nhất cho học trò.

 

Bên cạnh đó, những dự án thực tế luôn được đưa vào giáo trình giảng dạy của thầy cô để học trò có cơ hội ứng dụng những kiến thức của mình trong đời sống, từ đó có thể xây dựng những kỹ năng mà họ không thể tìm thấy trong sách vở.

Thầy cô ở xứ sở kiwi chú trọng đào tạo học sinh sinh viên của mình về những kỹ năng quan trọng cho tương lai bao gồm: kỹ năng liên ngành, kỹ năng sáng tạo và phân tích, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng số và kỹ thuật, nhận thức toàn cầu và ý thức công dân.

 

Phá bỏ khuôn mẫu

Trong một thế giới kết nối, hơn bao giờ hết người ta thấy rõ sự phân hoá về tư duy, lối sống, năng lực, định hướng nghề nghiệp… của từng cá thể. Nếu trước kia, học trò dễ dàng bị chi phối bởi một khuôn mẫu lý tưởng được định ra bởi người thầy, thì ngày nay, những ý kiến trái chiều và sự hoài nghi lại được khuyến khích trong trường học. Điều này mở đường những suy nghĩ khai phóng, dẫn tới sự sáng tạo và đổi mới.

 

Tiến sĩ Faith Kane, Giảng viên khoa Thiết kế trường đại học Massey (thành phố Wellington, New Zealand) cho biết, cô luôn khuyến khích sinh viên lắng nghe bản thân, khám phá đam mê và phát triển tư duy về thiết kế của mình. Các sinh viên ngành Dệt may của cô làm việc và lấy cảm hứng từ nhiều lĩnh vực khác nhau như lập trình máy tính, chế tạo kỹ thuật số, thời trang, đồ hoạ, thiết kế không gian, truyền thông và mỹ thuật… Sự đa dạng về kinh nghiệm, kiến thức liên ngành sẽ là chìa khoá cho sáng tạo.

Cô Faith chia sẻ: “Chúng ta không thể đoán trước nhu cầu của ngành công nghiệp sẽ thay đổi như thế nào trong vòng 20 năm tới. Cách tiếp cận liên ngành của chúng tôi là nền tảng phù hợp để giúp sinh viên thích ứng một cách linh hoạt và sáng tạo cho tương lai".

 

Đào tạo công dân toàn cầu

Là một công dân của thời đại 4.0, bạn cần phải quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề bức thiết của hành tinh chúng ta đang sống. Để người trẻ tham gia vào các vấn đề lớn của thế giới ngay từ những tiết học nhỏ là cách mà những người thầy toàn cầu đào tạo nên những công dân toàn cầu.

Thầy Mark Hanlen - một giáo viên môn Hải Dương Học của trường trung học Whatakane nằm ở đảo Bắc New Zealand đã sử dụng phong cảnh tuyệt đẹp của nơi mình sống để truyền cảm hứng và giúp các em học sinh quan tâm đến thế giới xung quanh một cách sâu sắc hơn.

Thường xuyên dẫn các em học sinh của mình đi lặn biển, thầy Mark đã giúp các em kết nối các bài giảng khoa học trong lớp với những vấn đề trong thực tế, có khả năng tác động sâu sắc đến tương lai của loài người, điển hình là tình trạng rác thải nhựa trong đại dương và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một số học sinh của thầy Mark đã được truyền cảm hứng để tiếp tục lộ trình học tập và làm việc trong ngành sinh vật biển và hải dương học. Thầy cho rằng, những học sinh như thế này chính là những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Trong xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa thầy và trò không chỉ là trò lắng nghe thầy một chiều. Người thầy thời đại mới cần có sự cởi mở, sẵn sàng đón nhận những góc nhìn mới mẻ của học trò.

Ở cấp độ Đại học, giáo viên thậm chí còn trở thành “đồng nghiệp” của sinh viên, như trường hợp của tiến sỹ Kathleen Campbell – Giảng viên trường đại học Otago (New Zealand), thành viên nhóm nghiên cứu điểm đỗ tàu vũ trụ trong dự án phóng tàu lên sao Hoả của NASA vào năm 2020.

Với kinh nghiệm 21 năm nghiên cứu và giảng dạy, nữ tiến sĩ đã biến trải nghiệm học tập của sinh viên thành một dự án có ý nghĩa thực sự. Dưới sự dìu dắt của tiến sĩ Kathleen, dự án “Rotorua Sao Hoả” của nhóm sinh viên, trong đónghiên cứu sử dụng các suối nước nóng địa nhiệt để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác, đã được ứng dụng để lựa chọn điểm đáp tàu vũ trụ của NASA trên sao Hoả.

 

Sian Camp – thành viên nhóm nghiên cứu Rotorua Sao Hoả cho biết: “Cô Kathleen cho tôi động lực bước ra khỏi vùng an toàn của mình và phát triển những kỹ năng mới. Thay vì giải thích mọi thứ, cô luôn hỏi tôi nghĩ gì trước. Cô tạo cho tôi áp lực, và điều đó dạy cho tôi cách tự giải quyết vấn đề mà không cần có sự trợ giúp”.

Theo Dân trí