GS. Ngô Bảo Châu (thứ ba từ trái) trong buổi giao lưu “Toán học với đời sống”
tại Hà Nội

Theo GS Ngô Bảo Châu, vì cách dạy và học toán như vậy, nên chúng ta đã biến một môn học vốn thú vị trở nên nặng nề, tạo nhiều áp lực cho học sinh. GS. Châu cho rằng, mỗi bài Toán là một câu chuyện và học Toán là niềm vui khám phá sáng tạo của nhân loại. Đây là bộ môn rất được coi trọng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam từ bậc tiểu học tới bậc đại học. Tuy nhiên, chương trình Toán hiện nay tại nước ta lại thiên về hàn lâm, giải bài tập và đáp ứng các kỳ thi, thay vì chú trọng tính ứng dụng thiết thực của Toán học với đời sống thực tế và các môn học khác.

Toán học trong thời “thi trắc nghiệm”

Trên thực tế, Toán học đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và mọi ngành nghề. Sự phát triển của Toán học chính là nòng cốt cho sự phát triển của những ngành khoa học mũi nhọn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (như khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, mật mã, trí tuệ nhân tạo…).

GS. Châu nhận định, có rất nhiều thanh niên Việt Nam lớn lên, trải qua nhiều kỳ thi căng thẳng, đạt thành tích cao. Tuy nhiên, họ vẫn không thực sự hiểu bản chất của việc học cũng như Toán học có vai trò gì trong cuộc sống hàng ngày.

“Chất lượng đầu vào môn Toán tại các trường đại học đang giảm rõ rệt. Nguyên nhân xuất phát từ việc đa số các em học sinh đã dành quá nhiều thời gian để học kỹ năng đi thi hơn là học Toán theo đúng định nghĩa của nó. Xét rộng hơn, việc học Toán như thế sẽ ảnh hưởng đến tầm quốc gia”, GS. Châu nhấn mạnh.

Vấn đề nằm ở việc chỉ có một kỳ thi, tất cả kết quả hay đánh giá đều dựa vào nó. Cha mẹ luôn muốn con em mình tập trung hết sức vào việc cải thiện năng lực thi trắc nghiệm, vào việc tính nhẩm sao cho nhanh, áp dụng công thức sao cho chuẩn. Tuy nhiên, GS. Châu khẳng định, đây là một vấn đề bất hợp lý.

Theo ông, trong thời gian đó, trẻ có thể học được nhiều thứ khác bổ ích, tập trung vào những điều trẻ thích, phát triển khả năng của bản thân qua những đam mê. “Xu hướng trong một vài năm nữa kỳ thi tốt nghiệp sẽ không còn quan trọng như hiện nay. Đa số các trường đại học rất vất vả mới tuyển được sinh viên. Vậy tại sao chúng ta phải quá nỗ lực cho kỳ thi đó trong khi còn nhiều thách thức của cuộc sống nằm ở phía trước, mà phần lớn các thách thức đó đều nằm ngoài kết quả của một kỳ thi?”, GS. Ngô Bảo Châu đặt vấn đề.

Học Toán thế nào?

Nói về những tiêu chí chọn lựa sinh viên của các trường đại học, GS. Ngô Bảo Châu cho hay, cũng giống như việc so sánh một con người, không thể chỉ dựa vào các số đo như chiều cao, cân nặng. Quan trọng hơn cả là phải dựa theo các chỉ số riêng biệt hay điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người. Chính vì thế, không có lý do gì tất cả những trường đại học tại Việt Nam đều phải lựa chọn sinh viên theo một số liệu điểm số tương tự như chiều cao, cân nặng của con người.

“Cá nhân tôi yêu thích Toán từ lớp 6. Khi đứng trước những bài Toán hóc búa, tôi luôn tìm mọi cách để cố giải cho bằng được. Chính nhờ những cách thức ban đầu như thế đã giúp tôi có động lực để phát triển tiếp”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, người học Toán hiện nay chỉ áp dụng công thức vào giải Toán. Trong khi ít người hiểu sâu sắc về bản chất của những công thức đó dẫn đến việc học Toán theo một phản xạ như cái máy. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để học Toán đúng cách?”.

Trả lời cho câu hỏi này, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, muốn học Toán hiệu quả, học sinh phải luôn hiểu rõ tận gốc của vấn đề. Mỗi bài Toán cũng giống như một câu chuyện, phần lớn đều hướng tới cuộc sống hoặc khoa học. Khi chúng ta tìm được nguồn gốc, hiểu rõ ngọn ngành của câu chuyện, hẳn các vấn đề sẽ thú vị hơn rất nhiều.

“Bắt tay vào giải Toán, tôi thường trang bị cho mình một số công thức, tuy nhiên đa số những công thức của mình đều không đủ. Điều đó dẫn đến bản thân tôi phải tự kiếm tìm những công thức, công cụ khác. Theo tôi, đây là hành trình thú vị nhất”, GS. Châu nói.

Đồng thời, GS. Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, trong hành trình tìm kiếm những công cụ đó, ta sẽ thấy con đường khám phá rất mông lung. Thậm chí, ta sẽ không biết đi đến đâu hay cần những gì để đến được đích. Trên toàn bộ chặng đường, vai trò của cảm xúc quyết định rất nhiều.

“Khi đã xác định được điểm muốn hướng đến, tìm ra lời giải cho một bài Toán, tôi thấy nhận thức của mình trở nên trong sáng, mạch lạc hơn. Đó cũng chính là kim chỉ nam mà tôi lựa chọn hàng ngày”, GS. Ngô Bảo Châu tâm niệm.

Qua đó, ta hiểu rằng, trong Toán học sẽ sử dụng nhiều thuật ngữ. Người làm Toán cần phải “đóng gói” nó lại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc). Cảm xúc không thể giải quyết hoàn toàn được điều gì nhưng lại là yếu tố khiến chúng ta đưa ra quyết định cho phương pháp giải Toán hay.

Toán học trong cuộc sống có nhiều điều thú vị, chúng ta không nên trói buộc nó trong một khuôn khổ hay gắn nó với những quy tắc cứng nhắc. Điều chúng ta cần là phải gìn giữ những điều thú vị sẵn có, đồng thời hãy để Toán học “trở về” đúng với bản chất của nó.

Theo Thế giới và Việt Nam