Chủ tịch Hội đồng dân tộc thiểu số tỉnh Ustecsky trao quyết định công nhận Trung tâm Văn hóa Phật giáo-chùa Most.

Tối 5/1, tại thành phố Most trực thuộc tỉnh Ustecsky, Séc đã diễn ra lễ khánh thành Chánh điện chùa Most và đón nhận giấy phép của Chính quyền tỉnh công nhận ngôi chùa là Trung tâm Văn hóa Phật giáo của người Việt tại địa phương.

Đây là ngôi chùa đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc được chính quyền sở tại chính thức công nhận là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của bà con. 

Được xây dựng vào năm 2011, chùa Most, lúc đó chỉ là một Niệm Phật đường nhỏ, phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bà con kính yêu đạo Phật tại địa phương. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, hội đoàn và đông đảo bà con, ngôi chùa dần được trùng tu, tôn tạo theo giá trị văn hóa của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con Phật tử không chỉ ở địa phương mà còn các vùng phụ cận khu vực Bắc Séc và Cộng hòa LB Đức.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại đức Thích Thông Đạt, trụ trì chùa Most, rất vui bởi sau 8 năm hoạt động, chùa đã được xây dựng ngày một khang trang và được công nhận là Trung tâm văn hóa Phật giáo của bà con phật tử. Đại đức cho biết, các hoạt động của chùa đã và đang đáp ứng được mong muốn của các phật tử gần xa, trở thành một phần không thể thiếu trong việc gìn giữ văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung.

Đại đức Thích Thông Đạt phát biểu tại lễ khánh thành
Ngôi chùa không những chỉ là nơi gửi gắm tâm hồn mà còn là nơi đào tạo mỗi con người. Đối với cộng đồng người Việt xa xứ nó còn là nơi để giữ gìn nét đẹp trong văn hóa truyền thống, bởi vì trong ngôi chùa chứa đựng nhiều văn hóa truyền thống mà người Việt Nam đang có. Và đặc biệt trong ngôi chùa này các thế hệ thứ 2, thứ 3 như Câu lạc bộ Hoa Từ bi rất tích cực tham gia sinh hoạt với các Thầy, vì thế vốn tiếng Việt tại xứ người cũng được gìn giữ rất nhiều.

Trong phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Nguyễn Duy Nhiên đánh giá cao công sức cộng đồng và cá nhân Đại đức Thích Thông Đạt trong việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Nhân dịp này, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cám ơn chính quyền tỉnh Ustecsky đã quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho cộng đồng người Việt Nam trong tỉnh, đồng thời tin tưởng sau khi được trùng tu khang trang, chùa Most tiếp tục trở thành trung tâm sinh hoạt tâm linh của bà con tại khu vực Bắc Séc, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng.

Đại sứ Hồ Minh Tuấn chúc mừng nhân dịp lễ khánh thành chùa Most
Lễ khánh thành Chánh điện chùa Most và công nhận chùa là Trung tâm văn hóa Phật giáo nhận được sự quan tâm của hơn 500 Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật tại thành phố Most và các vùng phụ cận.

Phật tử Nguyễn Thị Hoa, pháp danh Diệu Phương chia sẻ: "Thực sự chúng tôi rất là thỏa mãn và vui khi có một ngôi chánh điện được trùng tu. Ngày trước đây nó chỉ có 50-60 mét vuông thôi, còn bây giờ đã là 130 mét vuông, tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức các đại lễ hay các công việc chung của cộng đồng".

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về ý nghĩa của việc công nhận chùa Most là Trung tâm Văn hóa Phật giáo của người Việt tại địa phương, ông Pavel Vodseďálek, Chủ tịch Hội đồng dân tộc thiểu số tỉnh Ustecsky khẳng định: "Chúng tôi mong Trung tâm văn hóa Phật giáo tại Most sẽ giúp kết nối người Việt với người Việt và giữa người Việt với người Séc tại địa phương. Chúng tôi hy vọng Trung tâm sẽ giúp cho người Séc hiểu biết thêm về văn hóa, đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt Nam, cũng như giúp cho thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt tại Séc học hỏi, tìm hiểu văn hóa dân tộc".

Chùa Most hiện là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con Phật tử người Việt khu vực Bắc Séc và một hần nước láng giềng Đức./.

                                                                                                                                                                                 Theo VOV