Miệt mài tìm cách bảo vệ 8 tỉ con ếch trong cái nồi Trái đất - Ảnh 1.

Chị Thanh Huyền trong một hoạt động “góp một cây là góp rừng” của Gaia - Ảnh: Gaia

Gaia - tên của nữ thần Đất Mẹ trong thần thoại Hi Lạp cũng chính là tên một tổ chức bảo tồn thiên nhiên do một người yêu thiên nhiên sáng lập với khao khát xây dựng một tương lai mà con người có thể sống hòa hợp với mẹ Trái đất.

Để không ai vô tình bạt đi một ngọn núi

Gaia là nơi tổ chức các chương trình trải nghiệm thiên nhiên, những trại hè, khóa học "trường rừng" đầy cảm hứng, những chương trình Góp một cây là góp rừng - cùng trồng rừng đầu nguồn tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên từ Bắc chí Nam.

"Tôi tin rằng một em bé từng xúc động trước một cành cây, một tiếng chim hót ở trong rừng sẽ không vô ý bạt đi một ngọn núi để làm resort khi nó lớn lên và có quyền quyết định với thiên nhiên mà không suy nghĩ đến thiên nhiên" - đó là lý do mà chị Thanh Huyền đã lập nên Gaia sau gần 20 năm tham gia các dự án về bảo tồn thiên nhiên cho các tổ chức phi chính phủ. 

Trong lĩnh vực môi trường, chị Huyền không phải là "tay ngang".

Miệt mài tìm cách bảo vệ 8 tỉ con ếch trong cái nồi Trái đất - Ảnh 2.

Các em nhỏ trong một chuyến trải nghiệm tìm hiểu về cây cối - ẢNH: GAIA

"Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng từ lúc nhỏ đã rất dễ rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên, bờ ao, cánh đồng. Lúc học lớp 5-6, khi họa báo còn rất hiếm, cứ thấy tranh ảnh thiên nhiên là tôi cắt ra và dán trước bàn học và tưởng tượng mình sẽ đến dòng suối này ở Úc, đến cánh đồng này ở Huế... 

Đến lúc thi đại học, tôi chọn học ngành sinh học, vì có vẻ gần gũi với thiên nhiên nhất và luôn ước mơ mình phải làm việc với WWF - tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên mà tôi thường nghe nhắc trong các phim tài liệu và các chương trình bảo tồn trên tivi" - chị nói về con đường đến với nghề bảo tồn của mình bằng giọng nói đầy năng lượng và hạnh phúc.

Chị bảo, 20 năm làm nghề bảo tồn, chị luôn "đi làm như thể đi chơi" với các dự án, các chương trình giáo dục truyền cảm hứng yêu thiên nhiên cho mọi người, thiết kế các khóa học bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trong các trường học.

Nhưng những năm tháng làm ở các tổ chức phi chính phủ chị cũng mang theo rất nhiều trăn trở. "Tôi luôn tin giáo dục là một giải pháp bền vững, lâu dài, nên quyết định tạo dựng Gaia để không bạn nào phải năn nỉ Chị Huyền ơi đừng cắt chương trình này của em" - chị kể về sự tích ra đời Gaia.

Miệt mài tìm cách bảo vệ 8 tỉ con ếch trong cái nồi Trái đất - Ảnh 3.

Góp một cây là góp rừng là chương trình của Gaia đang được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng - ẢNH: GAIA

Chuyện con ếch trong nồi nước đun sôi

Nói về Gaia và sứ mệnh "truyền cảm hứng và tình yêu thiên nhiên", chị Đỗ Thị Thanh Huyền kể câu chuyện về một thí nghiệm của các nhà khoa học với hai con ếch và hai cái nồi nước. Hai con ếch được cho vào hai cái nồi khác nhau. Ở nồi thứ nhất, họ tăng nhiệt độ lên 70 độ C chỉ trong vòng 10 phút và con ếch ngay lập tức nhảy ra, còn ở nồi thứ hai, nhiệt độ tăng rất chậm, hai ngày sau mới đạt 70 độ C và con ếch chết. 

"Điều đó có nghĩa là những thay đổi từ từ sẽ rất khó nhận ra. Trái đất cũng đang trong tình trạng giống như cái nồi thứ hai, với rất nhiều vấn đề từ chặt phá rừng, rác thải nhựa cho đến sự tuyệt chủng của các loài động vật. 

Nhiều người không nghĩ rằng bảo vệ môi trường hay bảo tồn thiên nhiên liên quan đến mình. Nhưng mỗi người chúng ta cũng là một trong 8 tỉ "con ếch" trong cái nồi này. 

Miệt mài tìm cách bảo vệ 8 tỉ con ếch trong cái nồi Trái đất - Ảnh 4.

Những trải nghiệm về thiên nhiên sự nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong lòng các em nhỏ, là cách giáo dục bảo vệ môi trường hiệu quả nhất - ẢNH: GAIA

Gaia mong muốn nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên tới tất cả mọi người để không ai là con ếch trong cái nồi thứ hai" - chị Huyền chia sẻ.

Gaia chủ yếu gây quỹ từ các hoạt động trong nước, từ đóng góp của doanh nghiệp, các hành trình trải nghiệm thu phí người tham gia.

Góp một cây là góp rừng

Đó là tên gọi hoạt động gây quỹ trồng rừng của Gaia - một chương trình giáo dục truyền cảm hứng. Khi đóng góp một cây để trồng vào khu rừng thì Gaia sẽ luôn theo dõi, cập nhật để cho mọi người biết cây họ đã trồng lớn như thế, cây nào bị chết...

Các trường cũng có thể tham gia trồng và giám sát một khu rừng mang tên trường. Khu rừng này cũng sẽ là địa điểm học tập hằng năm lý tưởng cho nhà trường, trong rất nhiều môn học khác nhau, như sinh học, toán, vật lý, hóa học, nghệ thuật, văn học...

Theo tuoitre