Nguyễn Nhật Quang, học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhật vật cung cấp.

Đầu tháng 12/2019, Nhật Quang, học sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận thư báo trúng tuyển trong đợt tuyển sinh sớm của Đại học Rice. Theo US News & World Reports, Đại học Rice xếp thứ 17 trong danh sách đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ năm 2020, đồng hạng với Đại học Cornell.

Ban đầu, Quang ước tính mức hỗ trợ tài chính có thể nhận là 42.000 USD một năm. Tuy nhiên, nam sinh đã giành thêm hai học bổng là Trustee Distinguished và Rice University Century, trị giá lần lượt 25.000 USD và 4.000 USD, nâng tổng giá trị học bổng lên 71.000 USD một năm.

"Khi nhận được email báo trúng tuyển, em phải dụi mắt mấy lần vì không tin vào mức học bổng mình nhận được. Tổng chi phí của trường một năm là 63.000 USD nên giá trị học bổng 71.000 USD một năm lớn ngoài sức tưởng tượng của em và gia đình", Quang nói, cho rằng bí quyết giúp giành được hai học bổng giá trị này nhờ điểm mạnh về công nghệ thông tin và môi trường.

Chàng trai dáng thư sinh, đeo cặp kính cận giải thích học bổng Trustee dành cho 5-10% ứng viên quốc tế đã làm nghiên cứu khoa học thực tế, cho phép tân sinh viên tiếp tục nghiên cứu khoa học với giáo sư nhà trường. Học bổng Century yêu cầu ứng viên có thành tích học tập, ngoại khóa xuất sắc, ảnh hưởng tới cộng đồng và mang ý nghĩa khác biệt.

Trong các hoạt động ngoại khóa thời học sinh, Quang tự hào nhất là dự án vì môi trường CLEEN do em đồng sáng lập và giữ vai trò chủ tịch. Ý tưởng của dự án bắt nguồn từ một lần Quang đến thăm xã Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam). Em nhận thấy nguồn nước ao, sông bị ô nhiễm nặng, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh, người dân không có nước sạch.

Mong muốn cải thiện chất lượng đời sống người dân, nam sinh gây quỹ bằng cách bán túi vải trong ba tuần, thu về 45 triệu đồng. Có vốn, em mua và lắp đặt 60 máy lọc nước cho các hộ gia đình trong xã, đồng thời tạo một website để mở rộng ảnh hưởng của dự án tới cộng đồng.

Đam mê công nghệ thông tin, Quang thành lập dự án dạy lập trình miễn phí cho học sinh Hà Nội với tên gọi Algoventure. Em cùng bạn thuê địa điểm, chuẩn bị thiết bị, soạn giáo án để dạy cho khoảng 25 học sinh. Những ngày mưa gió, lớp học chỉ có 1-2 em, nhưng Quang vẫn vui vì tìm được người em, người bạn cùng chung niềm đam mê công nghệ.

Nhen nhóm ước mơ du học ngành khoa học máy tính từ năm lớp 8 khi được mẹ cho phép tham gia khóa học lập trình, đến năm lớp 9 Quang đặt mục tiêu thi đỗ THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vì "là môi trường có thể chắp cánh ước mơ".

"Học sinh trường Ams vừa học giỏi vừa tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, những điều cần có trong hồ sơ du học. Ngoài ra, rất nhiều cựu học sinh của trường là du học sinh quốc tế, có thể cho em những lời khuyên hữu ích", Quang giải thích. Kết quả, nam sinh là á khoa đầu vào, thủ khoa môn Toán chuyên lớp Toán 1 trường Ams niên khóa 2017-2020.

Lên lớp 10, trong lần đầu làm thử đề SAT I, Quang đạt 1400 điểm, con số chưa đúng như mong muốn khiến nam sinh buồn bã. Dành năm tháng luyện đề nhưng kết quả chỉ tăng thêm 30 điểm, Quang quyết định điều chỉnh phương pháp học. Em giảm thời gian luyện đề, xem kỹ lại các lỗi sai để phát hiện lỗ hổng kiến thức và tăng thời gian đọc tài liệu tiếng Anh.

Sau hai tháng ôn luyện theo phương pháp mới, em đạt 1540/1600 điểm SAT I ngay từ lần thi đầu tiên. Tiếp tục áp dụng cách học này sang các môn chuẩn hóa khác, nam sinh đạt 113/120 điểm TOEFL và 800/800 môn Toán, Lý, Hóa ở kỳ thi SAT II chỉ với lần thi duy nhất.

Song song ôn luyện chuẩn hóa, Quang thử thách mình bằng một số kỳ thi và đạt huy chương vàng cuộc thi Phát minh và Sáng chế quốc tế tại Ba Lan 2019, huy chương bạc cuộc thi Phát minh và Sáng chế quốc tế Silicon Valley tại Mỹ 2019, giải thưởng hạng PRIZE và là học sinh có số điểm tuyệt đối trong kỳ thi Vô địch Toán cấp trung học Úc - AIMO 2018.

Bốn tháng trước hạn nộp hồ sơ sớm, Quang mới suy tính đến việc chọn trường. Sau khi tìm hiểu, nam sinh quyết định nộp hồ sơ vào Đại học Rice vì trường có thế mạnh đào tạo chuyên ngành khoa học máy tính với bộ giáo trình được đánh giá là chi tiết, hiệu quả, có thể giúp sinh viên chuẩn bị nghề nghiệp sau khi ra trường. Ngoài ra, Rice cung cấp mức hỗ trợ tài chính tốt cho sinh viên quốc tế.

Thời điểm cân nhắc chọn trường cũng là lúc Quang chuẩn bị cho bài luận chính. Em trình bày phương pháp kết nối hai lĩnh vực yêu thích là môi trường và công nghệ thông qua những dự án, hoạt động từng thực hiện. Luôn mang quyển sổ nhỏ và cây bút chì bên mình, mỗi khi tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc nảy ra ý tưởng, Quang lại ghi chép vào sổ để lưu giữ cảm xúc, trải nghiệm làm tài nguyên cho bài viết. Cuối cùng, sau hai tháng với 14 bản nháp, Quang đã hoàn thiện bài luận hoàn chỉnh, đem nộp cùng hồ sơ ứng tuyển Đại học Rice.

10 ngày sau khi nộp hồ sơ, Quang nhận được thư mời phỏng vấn trực tuyến với đại diện Đại học Rice. Từng có kinh nghiệm phỏng vấn tại nhiều hội thảo quốc tế, nam sinh trả lời thoải mái trong 90 phút, không quên bày tỏ mối quan tâm dành cho nhà trường.

Cô Trần Thùy Anh, cố vấn du học của Tổ chức giáo dục Summit, đánh giá Quang chủ động, dễ gần. "Điều tôi ấn tượng ở Quang là sức bền, nỗ lực không ngừng nghỉ trong gần ba năm chuẩn bị hồ sơ và khả năng sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng việc học, tham gia hoạt động ngoại khóa", cô giáo nói.

Bảy tháng nữa, Quang sẽ sang Mỹ theo đuổi đam mê khoa học máy tính. Đối với những học sinh có ý định du học Mỹ, Quang nhắn nhủ nên chuẩn bị hồ sơ sớm, tìm đến trung tâm tư vấn uy tín để lên kế hoạch xây dựng lộ trình và học cách quản lý thời gian hiệu quả. "Khi tham gia các dự án, hãy ghi chép và quan sát nhiều nhất, vì đó có thể là ý tưởng hay cho bài luận chính", Quang nói.

Theo vnexpress