Ngay từ mùng 1 Tết Mậu Tuất, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội đã ùn tắc, nhất là tại các khu vực gần nơi thờ tự. Ngay trong ngày mùng 6 tháng giêng (ngày đầu tiên công chức, viên chức, người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), lượng người đến lễ ở phủ Tây Hồ, chùa Bái Đính, chùa Hương... nườm nượp, dòng người chen chân trẩy hội, xì xụp khấn vái. Từ nay đến hết tháng giêng, sẽ còn hàng trăm lễ hội được tổ chức.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa. Trung bình mỗi ngày người Việt có 22 lễ hội, mỗi giờ có một lễ hội. Đây được xem như “kho báu”, di sản văn hóa cha ông đã để lại cho thế hệ mai sau. Nhưng phải thừa nhận, lễ hội bây giờ ngày càng xô bồ, biến tướng, bởi yếu tố tâm linh đang bị thổi phồng để đánh vào lòng tham của con người. Người ta tin tranh cướp được lộc trong lễ hội sẽ mang lại may mắn, xin được ấn tín sẽ thăng quan tiến chức, thần thánh hóa từ cục đá đến con cá… Có phải người Việt ngày càng mê tín?

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường Đại học KHXHNV Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

- Mùa lễ hội 2018 vừa mới bắt đầu, hình ảnh đền chùa, nơi thờ tự “thất thủ” bởi lượng người đến thăm viếng đầu xuân quá đông được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhiều năm đi điền dã và nghiên cứu về lễ hội dân gian, ông thấy hiện tượng người người đi lễ, dự hội như vậy là đáng lo hay mừng?

- Nhiều lý do để người ta đến lễ hội đông: Giao thông thuận tiện, truyền thông phủ sóng, hòa bình đã lâu, kinh tế phát triển, người cầu mong thịnh vượng nhiều và mê tín lan tỏa. Cứ đi bộ, hay đường sá như xưa, thì ít người đến, loanh quanh chỉ biết đến hội làng mình.

Bây giờ lễ hội quá tải là tất nhiên, vì sự thuận lợi gấp 40 lần ngày xưa. Người đến dự hội đông hơn, xưa 1.000 nay lên đến 40.000 người mà không gian, thời gian vẫn vậy. Điều này tất yếu dẫn đến cảnh chen chúc. Rồi có trường hợp bỏ cả việc công sở để đi lễ. Tôi nghĩ nếu ai đi lễ hội mà ảnh hưởng trực tiếp thu nhập thì họ chả đi đâu.

Cảnh người người đi lễ khiến tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là dân vui đi hội, chứng tỏ xã hội an bình. Còn lo mê tín quá đáng làm hỏng cái phong khí lành mạnh đi, làm cái xấu tăng trưởng.

- Những lễ hội ở miền Bắc vài năm nay thường xuất hiện cảnh bát nháo, xô bồ, tranh, cướp. Tham dự và nghiên cứu nhiều lễ hội ở các vùng miền, theo ông nguyên nhân được đưa ra là gì?

- Nói thẳng ra, hiện tượng lộn xộn, tiêu cực xảy ra ở một số lễ hội lớn quanh thành thị và ở Bắc Bộ là chính. Nguyên nhân có nhiều: Đông người thì phức tạp, tổ chức không tốt thì lộn xộn, hành động hội không chọn lọc tạo môi trường bạo lực. Người đi hội mê tín và tham lam trở nên hóa cuồng, rượu bia xả láng thì khó điều chỉnh hành vi, luật pháp (các quy định) bất tuân thì loạn đả...

- Vào mỗi mùa lễ hội cũng xảy ra một thực tế cho thấy, chỗ này sẽ trở thành biển người vì những lời truyền rằng chỗ ấy linh thiêng, xin gì được nấy, có khả năng hóa giải vận hạn trong năm. Trong khi nhiều di tích lại thưa vắng, hương tàn khói lạnh. Bức tranh thường xảy ra vào các mùa lễ hội này nói lên điều gì, thưa ông?

- Tôi không cho đó là “bức tranh thường xảy ra”. Nhiều lễ hội rất tốt, nhưng không thu hút truyền thông, ít người dân tham gia. Trong một lễ hội cũng nhiều điều tốt, nhưng cái xấu thường gây chú ý hơn, được đưa lên ồ ạt và chiếm lĩnh không gian mạng.

Việc thổi phồng vào lễ hội những yếu tố tâm linh là một biểu hiện của việc dùng lễ hội để kinh doanh. Việc này không những góp phần làm nên sự lộn xộn mà còn vi phạm quy định lễ hội của Bộ VHTTDL... Nhưng nhiều khi vì tiền người ta bất chấp. Buôn thần bán thánh nay cũng đã là một nghề. Họ cạnh tranh khốc liệt dưới vỏ tín ngưỡng. Sự việc trên đang đẩy văn hóa và nhân cách người Việt xuống dốc không phanh. Điều này rất đáng lo.

- Đúng là người tổ chức làm không tốt khiến lễ hội lộn xộn, lợi dụng để kinh doanh khiến lễ hội biến tướng, nhưng nhiều người Việt đang có niềm tin vào thánh thần. Họ thần thánh hóa từ hòn đá tới con cá như chuyện người dân xì xụp khấn vái một con cá chép nổi lên ở mặt kênh tại Nghệ An. Theo ông, điều này có dừng lại ở việc thực hành tín ngưỡng văn hóa hay đã trở nên cuồng tín?

- Chuyện con cá chép là chuyện nhỏ, chưa hệ lụy gì đến cộng đồng. Nhưng đó cũng là ví dụ cho thấy tệ mê tín đang rất phổ biến. Nguyên do là xã hội bất trắc trong làm ăn, dân trí chưa phát triển, con người không có sự tin tưởng lẫn nhau.

Sau này ngồi lại kể chuyện, người ta sẽ cười vui vì mình đi thắp hương một con cá chép. Nhưng điều đáng nói là mê tín sẽ hạ thấp danh giá của cả một dân tộc. Sự mê tín đang lan tỏa và không từ một ai.

- Trong bối cảnh này, liệu có biện pháp nào để lễ hội trở về đúng nghĩa, cách nào để giảm bớt tình trạng quá tin vào tâm linh của xã hội hay không? 

- “Nghĩa” của lễ hội nằm ở những giá trị chân - thiện - mỹ truyền đời của nó. Ngoài một số lễ nghi tương đối bảo lưu, còn nó vận động bất tận trong lịch sử. Đúng nghĩa là vừa thấu hiểu, vừa bảo tồn, vừa phát huy vừa quảng bá tốt lễ hội. Để làm điều này, đầu tiên cần một thiết chế văn hóa đúng đắn. Đừng thổi phồng vào đó những yếu tố tâm linh, không có thực. Nhờ thiết chế đó mà những người nghiên cứu, hoạt động, tổ chức, kiểm tra, truyền thông... hết mình trong chức trách và tình cảm, thì lễ hội sẽ đi vào hướng chân - thiện - mỹ và đóng góp cho thế giới bản sắc riêng, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Cần hoàn thiện thể chế - chính sách để bài trừ mê tín, dị đoan

Sự phát triển của tín ngưỡng, ở mặt tích cực, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, đây cũng là môi trường sản sinh ra các hiện tượng mê tín dị đoan.

Ví dụ các hiện tượng như “cá thần”, đá nổi, ngày thần tài, đốt vàng mã tràn lan... là nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong đời sống kinh tế - xã hội, dù hiện tượng này không phải là mới.

Một số giải pháp cũng được Bộ VHTTDL thống nhất như cần có sự thống nhất trong cách xác định rõ ràng thế nào là mê tín dị đoan, ở mức độ nào là tín ngưỡng và ở mức độ nào sẽ trở thành mê tín dị đoan. Những quan niệm không rạch ròi sẽ khiến cho công tác thanh tra, quản lý của ngành văn hóa khó thực thi được nhiệm vụ.

Nếu chỉ nhìn các hiện tượng mê tín dị đoan như một hiện tượng văn hóa đơn thuần và giao phó toàn bộ công việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực. Chính vì vậy, cần bài trừ mê tín dị đoan bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách.

Việc thực thi các văn bản chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương. Như chúng ta đã từng thấy, các quy định xử phạt như sản xuất và đốt vàng mã, xóc thẻ… vẫn xảy ra thường xuyên ở các lễ hội nhưng hầu như ít chịu sự xử phạt từ các cơ quan chức năng. M.K


Theo Lao động