Françoise Sagan không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời, nơi quá khứ được phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong người đọc

Không khó để thấy rằng trong văn học nghệ thuật nói chung hay qua các tác phẩm văn chương, “ngoại tình” không đơn thuần là câu chuyện về người thứ ba mà còn là những trăn trở, day dứt của các nhà văn về cuộc sống gia đình, các mối quan hệ xã hội và lựa chọn sống của mỗi con người…
Một anh chàng chỉ vì vợ con đi nghỉ hè không có ai đơm nút áo cho để đi làm mà nhận ra sự hiện diện của cô hàng xóm. Một người vợ trong lúc đi tìm con mèo mà phát hiện ra chồng mình đang trong vòng tay một người phụ nữ khác…



Một câu chuyện dài trong Chuyến tàu định mệnh (Georges Simenon) và 17 truyện ngắn trong Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở ( Françoise Sagan), tuy với những bối cảnh không gian, thời gian, hoàn cảnh, lý do, biến cố khác nhau, bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước, nhưng đa phần là những ám ảnh của nỗi buồn, bi thương.
Trong dịp xuất bản hai tác phẩm nói trên của hai tiểu thuyết gia Pháp ngữ lừng danh, tọa đàm Ngoại tình trong văn chương sẽ diễn ra vào 18 giờ ngày 6.3 tại Thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương và người dẫn chương trình Trịnh Mai Ngân.

Theo Thanh niên