Bìa sách “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” do NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam
ấn hành tại Việt Nam



Vị sensei (thầy giáo) nổi tiếng trong văn học Nhật Bản là nhân vật Sensei trong tác phẩm "Kokoro" của văn hào Natsume Soseki (1867-1916) nhưng có lẽ nhân vật thầy giáo được yêu mến nhiều nhất lại là thầy Kobayashi trong truyện thiếu nhi "Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ" của Tetsuko Kuroyanagi.

"Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ" từng trở thành hiện tượng xuất bản ở Nhật, được dịch ra nhiều thứ tiếng, đưa cô bé Totto-chan trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện mang dáng dấp tự truyện này kể về thế giới nhỏ của cô bé tinh nghịch, bị đuổi học khi vừa vào lớp một, nhưng trong ngôi trường mới trên toa tàu kỳ lạ mang tên Tomoe, dưới sự dẫn dắt và phương pháp giáo dục cởi mở của thầy hiệu trưởng Kobayashi, không có đứa trẻ nào được coi là cá biệt, hay nói đúng hơn đứa trẻ nào cũng là những thiên thần nhỏ "cá biệt", với những tính cách riêng, vì thế mà có những tài năng thiên bẩm riêng, như một mỏ quặng đang chờ được khai phá.

Ngôi trường trên toa tàu như một biểu tượng chuyên chở tri thức, đưa các em nhỏ tới thiên đường tuổi thơ, nơi các em được học tập vui chơi đúng với sở thích của mình. Thầy Kobayashi trong mắt Totto-chan vừa là hiệu trưởng, vừa là bác trưởng toa điều khiển con tàu - ngôi trường lý tưởng ấy. Ở Tomoe, học sinh có thể học bất kỳ môn gì mà mình thích, trong ngày hội thể thao học sinh nào cũng trở thành nhà vô địch, nơi mà việc đến trường là niềm vui, nơi mà tiết học nông nghiệp được dạy bởi một bác nông dân thực thụ…

Tomoe của Kurroyanagi không phải là một xã hội không tưởng như Utopia của Thomas More, nó đã từng hiện diện và bị phá hủy bởi chiến tranh, nó là một hiện thực được xây dựng từ giấc mơ của nhà giáo dục Kobayashi, người đã dành trọn tình yêu cho công việc nghiên cứu và giáo dục thiếu nhi và vì thế mô hình trường học theo kiểu Tomoe không phải là thứ gì đó hoang đường, không thể thực hiện được.

Thầy Sosaku Kobayashi sinh năm 1893, từng dành nhiều thời gian để nghiên cứu âm nhạc và giáo dục trước khi lập trường Tomoe vào năm 1937. Vì sợ những phương pháp giáo dục không chính quy của mình nhận phản ứng tiêu cực, ông đã điều hành ngôi trường trên toa tàu với năm mươi học sinh, một cách kín đáo, không phô trương và tránh xa tầm mắt của giới chức trong ngành giáo dục quen nặng nề quy tắc, thứ môi trường giáo dục bảo thủ đã tặng cho cô bé hồn nhiên Totto-chan chiếc phiếu bé hư. Trong mắt họ em là cô bé ngỗ nghịch và kỳ cục, thường xuyên bị phạt đứng ngoài hành lang, quen mặt đến mức, rất nhiều năm sau đó, một giáo viên vẫn nhận ngay ra Totto-chan.

Không thể tưởng tượng được tương lai của em sẽ phát triển ra sao nếu vẫn còn ở ngôi trường cũ. Đuổi học, thoạt tiên là hình phạt, đã biến thành phần thưởng cho em, tặng cho cô bé một chiếc vé để lên chiếc tàu của ông toa trưởng Kobayashi.

Với quan điểm giáo dục chú trọng vào thiên tính của các em nhỏ, thầy Kobayashi không dùng bàn tay người lớn của mình để uốn nắn các em mà để cho những học sinh được phát triển tự nhiên, thầy không tham vọng tạo ra những thiên tài, chỉ mong các em sau này lớn lên trở thành người thành đạt và sống hạnh phúc. Chính vì thế, những người bạn của Totto-chan lúc trưởng thành, tuy làm những ngành nghề khác nhau, nhưng họ đều thỏa ý nguyện của mình. Riêng cô bé Totto-chan bị đuổi học năm nào trở thành người dẫn chương trình truyền hình được yêu thích nhất ở Nhật Bản, cố vấn tự nhiên của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, là người Nhật đầu tiên làm đại sứ thiện chí của UNICEF.

Một đứa trẻ có thể trở nên tốt đẹp thế nào nếu có được những người thầy tận tụy dạy dỗ bằng tình yêu thương, chỉ với một câu nói: "Em biết không, em thật là một cô bé ngoan", thầy Kobayashi đã biến một cô bé "hư" trở thành một người thành đạt trong xã hội. Là trẻ con đứa nào không thích được khen, đôi khi một lời động viên nhỏ thôi cũng khiến các em vui sướng còn hơn được cho quà.

Tiếc thay, ngôi trường lý tưởng Tomoe trở thành thiên đường đã mất khi bị bom đạn chiến tranh phá hủy năm 1945. Thầy Kobayashi qua đời năm 1963, ôm theo giấc mộng xây dựng lại ngôi trường Tomoe.

Kể từ khi xuất bản đến nay, "Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ" không chỉ là câu chuyện giản dị trong sáng dành cho mọi lứa tuổi, nó còn là "bài ca sư phạm" mà mỗi nhà giáo dục nên đọc. Nhất là một nền giáo dục như ở Việt Nam, vốn là lĩnh vực nổi cộm trong những năm qua như thay đổi chương trình dạy, sách giáo khoa, nhiều quy định đưa ra vấp ngay sự phản ứng của dư luận… Mỗi thầy cô trước khi lên lớp nên hình dung trong đầu khuôn mặt cô bé Totto-chan và nhìn xuống những học sinh đang ngồi bên dưới, thầy cô có thể đẩy các em ra đứng ở hành lang một cách dễ dàng hay chọn khó nhọc đưa chúng lên toa tàu tri thức. 

Cả xã hội kỳ vọng vào người thầy

Không chỉ nước ta có ngày Nhà giáo hay còn được gọi là ngày Tết thầy cô (20-11), nhiều nước trên thế giới cũng có riêng một ngày nhà giáo của mình, như ở Thái Lan là 16-1, ở Mông Cổ là ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 2, hay Mỹ là ngày 6-5… Dù ở châu Á có nhiều nước kỷ niệm ngày nhà giáo nhưng một nước có nền giáo dục tiên tiến và khuyến học như Nhật Bản lại không có ngày nhà giáo. Nguyên nhân rất đơn giản, đối với người Nhật, ngày nào cũng là ngày nhà giáo.

Người Nhật rất xem trọng giáo dục, cả xã hội đặt rất nhiều kỳ vọng vào người thầy, khi một học sinh yếu kém hay hư hỏng ngoài xã hội thì người đầu tiên nhận trách nhiệm đó chính là người thầy. Trong tiếng Nhật, thầy giáo được gọi là sensei, theo âm Hán - Việt là "tiên sinh", dù từ này còn được sử dụng với nghĩa rộng để xưng hô với những người mà ta kính trọng, giống như từ "ngài" trong tiếng Việt.




Theo Người Lao động