Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Một bảo tàng sống về văn hóa dân tộc
 

 Nhà văn hóa Hữu Ngọc được mọi người nhắc đến với cái tên trìu mến là nhà “xuất nhập khẩu văn hóa”. Ông tâm sự: “Trong cuộc đời tôi đã từng trải qua nhiều nghề. Lúc đầu là dạy học, làm địch vận trong quân đội, làm văn hóa đối ngoại, viết sách, viết báo, dịch thuật, nghiên cứu văn hóa. Đến giờ nhìn lại thấy cuộc đời mình là một người làm công việc “xuất nhập khẩu văn hóa”: Giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam. Cũng có người hỏi tôi, tại sao tôi lại chọn con đường này? Có lẽ “ngẫu nhiên”. Cũng có thể là từ sâu trong tiềm thức, đó là phản ứng của con dân một dân tộc thuộc địa. Dân tộc chúng ta đã bị ách đô hộ hàng chục thế kỷ, bị phong tỏa bao vây bởi chiến tranh hàng mấy chục năm, nên không những người nước ngoài không hiểu gì về bản sắc, văn hóa, con người của dân tộc mình mà chúng ta cũng không hiểu nhiều về cái hay, cái đẹp của các dân tộc khác. Do đó trong tôi từ lâu đã nảy ra ý muốn góp phần nhỏ bé giới thiệu nền văn hóa lâu đời của Việt Nam ra nước ngoài và chắt lọc tinh túy các nền văn hóa khác giới thiệu vào Việt Nam”.

Dành cả cuộc đời cho nền văn hóa nước nhà nhưng ông Hữu Ngọc chỉ xem đó là diễn đàn để chơi, để tiêu khiển. Ấy là cách nói khiêm tốn của ông bởi ai cũng biết hơn 7 thập kỷ qua ông đã góp phần không nhỏ để gìn giữ văn hóa Việt Nam, giúp nó phát triển đúng hướng và lan tỏa đến cộng đồng quốc tế.

Hữu Ngọc đọc nhiều, đi nhiều và rất dẻo dai. Gần như mọi vùng miền của đất Việt thân yêu ông đều đặt chân đến. Những bài viết của ông không phải trên sách vở mà từ thực tế đời sống. Ông hiểu sâu sắc về địa lý, về dân tộc, về lịch sử, văn hóa… của vùng đất đó và dùng hai quỹ văn hóa mà ông từng là chủ tịch (Quỹ Thụy Điển – Việt Nam và Quỹ Đan Mạch – Việt Nam) để đóng góp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ở địa phương.

Với vốn tri thức sâu rộng, vốn ngoại ngữ vững vàng (sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán), phong thái giao tiếp cởi mở và lịch lãm, ông đã thu lượm, chắt lọc được nhiều điều bổ ích từ những chuyến đi tới nhiều “chân trời góc bể” của thế giới để viết nên một loạt tác phẩm hết sức công phu. Đến nay ông đã viết 34 cuốn sách, trong đó 2 cuốn mà ông tâm đắc nhất là: “Tuyển tập văn hóa Việt Nam” (4 tập, song ngữ Anh – Pháp với tổng cộng 2.000 trang) viết cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (viết bằng 3 ngôn ngữ Việt – Pháp – Anh, mỗi cuốn khoảng 1.000 trang)… 

Bất cứ ai từng đọc “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” đều cảm thấy như được khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tự cảm thấy trách nhiệm cá nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.

Nhà văn Mỹ Lady Borton nhận xét: “Dù trình độ học vấn của ta ra sao thì “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” vẫn mang lại nhiều hiểu biết và hứng thú. Trong thời buổi đầy biến động, khi cuộc sống ngoại lai tuôn tràn vào, ta may mắn được ông đem đến cho một viên ngọc quý mài sáng loáng về văn hóa truyền thống Việt Nam, đáng để ta nâng niu mãi mãi. Cuốn sách này là món quà tuyệt diệu ta có thể mang về từ Hà Nội”.

Ngoài những cuốn sách, ông Hữu Ngọc còn nổi tiếng qua những buổi nói chuyện với khách nước ngoài. Trong các cuộc nói chuyện đó, ông Hữu Ngọc trình bày về mấy nghìn năm văn hóa Việt Nam, sự hình thành và diễn biến với những đặc điểm truyền thống Việt Nam, tiếp biến văn hóa với phương Tây, các thách thức trong thời kỳ toàn cầu hóa... 

Ông Hữu Ngọc bảo, trong quá trình "xuất khẩu văn hóa", ông muốn làm cho người nước ngoài hiểu Việt Nam có nền văn hóa độc lập. 90% người nước ngoài ngộ nhận rằng, văn hóa Việt Nam giống Trung Quốc. Ông đã phải dẫn giải nhiều minh chứng để nói rằng Việt Nam có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng vẫn mang bản sắc riêng. Từ lịch sử cái tên Việt Nam là đất nước của người Việt, đến văn hóa sông Hồng biểu trưng là trống đồng Đông Sơn khác với văn hóa Trung Quốc là văn hóa sông Hoàng Hà, biểu trưng là cái vạc đồng... 

Rất nhiều người nước ngoài bày tỏ rằng, chỉ bằng những lần gặp gỡ ngắn ngủi với ông, nghe ông nói chuyện mà họ có thể hiểu về Việt Nam nhiều hơn đọc sách.

Một tình yêu Hà Nội sâu sắc

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, một con phố vào loại cổ nhất trong khu ba mươi sáu phố phường của Hà Nội, ông Hữu Ngọc tâm sự, ông không nhận ra mình gắn bó, mến yêu mảnh đất này như thế nào cho đến khi xa Hà Nội, lên chiến khu kháng chiến. Trong 9 năm xa Hà Nội, ông bỗng nhớ Thủ đô da diết, nhớ từ những điều bình dị, những góc phố, những món ăn... Những trải nghiệm về Hà Nội cứ ngấm sâu khiến tình yêu nồng nàn với mảnh đất này ngày càng căng đầy và rồi với tất cả sự nâng niu, ông biến cảm xúc thành những bài viết sinh động.

Bộ sách “Ha Noi, Who are you” (2010) bằng tiếng Anh

Đến nay, trong số 34 cuốn sách về di sản văn hóa Việt Nam mà ông đã viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và cả bằng tiếng Việt thì có 7 cuốn viết riêng về Thủ đô thân yêu. Với ông, văn hóa Hà Nội là những điều rất đỗi thân quen như tranh Hàng Trống, tháp Rùa, Văn Miếu, phố cổ, những món ăn cổ truyền ngày Tết, những lễ hội, phong tục tập quán, hay đơn giản là những hàng cây ven đường... Vì thế, trong sách của ông, người đọc luôn nhận thấy hình ảnh một Hà Nội xưa thanh bình, mộc mạc mà thấm đẫm tình người.

Công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của ông là cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” (1997) viết bằng tiếng Pháp dày 200 trang. Ông nói: "Khi Chính phủ Canada đặt hàng tôi viết trong 3 tháng một quyển về Hà Nội bằng tiếng Pháp, tôi đã có sẵn những kỷ niệm thân thương về Hà Nội nên cứ thế là viết thôi”. Cuốn sách được viết không chỉ bằng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Hà Nội mà còn bằng những rung cảm của một người gắn bó cả cuộc đời với Thủ đô. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội một cách hệ thống cho người nước ngoài kể từ tháng 8-1945 đến thời điểm năm 1997 và được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội.

Năm 2010, nhân dịp Hà Nội tròn 1.000 tuổi, ông tiếp tục cho ra mắt 10 cuốn sách “Ha Noi, Who are you” bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi cuốn sách là một câu chuyện đặc biệt giới thiệu về lịch sử Hà Nội, khu phố cổ, khu phố Tây, khu thành cổ, khu ngoại ô, ẩm thực, tìm hiểu các nhân vật qua tên phố, đời sống tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo, chùa đền, hội hè), văn hóa nghệ thuật, giáo dục… qua đó giúp người học hình dung một cách tổng thể về các lĩnh vực của Hà Nội.
Cuốn sách “Hà Nội của tôi” ra mắt bạn đọc khi nhà văn hóa Hữu Ngọc bước vào tuổi 92. Thật đáng khâm phục! Cuốn sách dày gần 500 trang này dẫn dắt người đọc tìm hiểu truyền thống Hà thành qua khu phố cổ và các làng ven đô, khám phá những cái mới trong Thủ đô hiện đại qua một cái nhìn rất dí dỏm và những suy ngẫm sâu sắc về lịch sử, văn hóa trong hệ tham chiếu rất rộng lớn của văn hóa phương Đông và thế giới. 

Thưởng lãm những bài viết về Hà Nội của ông ai cũng cảm nhận được sự tinh tế, trong sáng của một ngòi bút tràn đầy năng lượng khám phá. Cho đến nay, ông Hữu Ngọc là người có nhiều tác phẩm về Hà Nội viết bằng ngoại ngữ nhất. Những công trình của ông là thứ tài sản quý giá cho văn hóa Hà Nội hôm nay và mai sau.

Tuổi bách niên mà sức sáng tạo vẫn thanh xuân

Ông bà Hữu Ngọc

Ở nhà văn hóa Hữu Ngọc có nhiều cái “hiếm”. “Hiếm” không chỉ vì ông đã chạm mốc 100 tuổi và có hơn 70 năm đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn. Điều tôi muốn nói ở đây là chất tươi mới, sự trẻ trung trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo của ông.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói: "Hữu Ngọc sinh năm 1918. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, thuộc lứa đàn em của ông giờ đã thành người ở cõi thương cõi nhớ. Vậy mà Hữu Ngọc vẫn "dẻo dai sánh bước cùng thời đại", hay nói như ngôn ngữ của ông: "Cứ lang thang như một áng mây giời". Thật cảm động! Ở tuổi bách niên, dù tự nhận rằng cái đầu "cạn dần nhiên liệu", mắt mờ, tai kém nhưng ông vẫn lao động bền bỉ, vẫn tràn đầy say mê và nhiệt huyết.

Được trò chuyện với ông vào một chiều thu Hà Nội tôi càng thêm hiểu tại sao cánh phóng viên khó tiếp cận với ông đến vậy. Không phải vì ông kiêu kỳ mà vì lịch làm việc của ông luôn “full” (đầy). Khách quốc tế vẫn muốn đến nhà nghe ông nói chuyện về văn hóa Việt Nam. 
Đưa tôi xem cuốn sách mới nhất “Viet Nam: Tradition and change” (Việt Nam: Truyền thống và đổi thay - 2018) do Ohio University (Mỹ) và Nhà xuất bản Thế giới đồng xuất bản, ông cho xem luôn bài báo đánh giá cuốn sách đạt 4 sao của Choice Review (thuộc Choice – một tổ chức về xuất bản của Mỹ). Hữu Ngọc là vậy, luôn ân cần, chu đáo.

Trên chiếc bàn nhỏ giữa căn phòng đầy sách là hai tập bản thảo lớn và dày mang tên "Ngẫm chuyện xưa nay" (tập 2 của “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”) và “Cảo thơm lần giở” (tập hợp những bài báo giới thiệu tư duy của gần 200 danh nhân thế giới, từ Đức phật, Chúa Jesus, Khổng Tử… đến các nhân vật hiện đại) của ông đang viết dở. 

Hai năm trước, ông vẫn đều đặn mỗi tuần viết 3 bài báo: Một bài bằng tiếng Anh cho tờ Việt Nam News Sunday, một bài bằng tiếng Pháp cho tờ Le Courrie du Vietnam Dimanche và một bài bằng tiếng Việt cho tờ Sức khỏe và Đời sống. Năm nay ông bảo vẫn cố mỗi tháng được một, hai bài nhưng cũng có lúc cao hứng thì mỗi chủ nhật một bài. Mắt không nhìn thấy ông nhờ con cháu chép hộ.

Gần hai tiếng trò chuyện với nhà văn hóa “đại thụ” mà câu chuyện vẫn không muốn dừng. Ông Hữu Ngọc quả là một con người đặc biệt với sức làm việc dẻo dai kỳ lạ. Cuộc đời của ông là tấm gương cho con cháu, ở tuổi bách niên mà sức sáng tạo vẫn thanh xuân. 

Theo Hà Nội mới