Tác giả trong buổi ra mắt sách phiên bản tiếng Việt do NXB Trẻ ấn hành.


Năm 2018, Trương Hồng Quang dịch sách sang tiếng Việt. Isabelle nói, chị đã đưa được mẹ về nhà nhờ cuốn sách này. Cuốn sách không chỉ kể lại cuộc đời một người phụ nữ lớn lên trong hoàn cảnh trọng nam khinh nữ, không được học hành nhưng đã vượt qua được tất cả trở ngại lẫn kỳ thị, đi theo tiếng gọi của tình yêu và dám tiếp tục đứng lên làm lại cuộc đời khi đã mất tất cả.

Loan là biệt danh của mẹ tác giả - bà Đậu Thị Cúc. Bà đã sống qua thời kỳ chiến tranh nhiều biến động ở Việt Nam, rồi sang Pháp, Algeria... Ở đâu bà cũng gặp nhiều thử thách lớn nhưng đều vượt qua và sống kiêu hãnh như con chim phượng hoàng.

Cùng với cuộc đời của nhân vật chính, người đọc thấy được quãng thời gian sôi động trong lịch sử Việt Nam từ góc nhìn của người thường dân. Người phụ nữ này tuy ít học nhưng duyên dáng, mạnh mẽ, khôn ngoan và đặc biệt luôn giữ niềm tin lớn lao vào chính mình.

Cô con gái út của bà, tác giả của cuốn sách, đã hỏi về cuộc đời của mẹ năm lên 6, tìm hiểu sâu từ năm 15 tuổi và sau 30 năm chuẩn bị tư liệu đã viết trong 2 năm. Từ những năm 90, chị cùng mẹ trở lại Đông Nam Á để tìm lại gốc gác và dòng máu Việt của mình.

“Gốc rễ Việt Nam đã khiến tôi trở nên gắn kết với quê hương, khiến tôi muốn làm gì đó cho những đứa trẻ miền núi được đến trường” - chị tâm sự.

Năm 2016, chị lập quỹ Loan hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số ở miền Bắc, đầu tư xây trường mẫu giáo, gia cố trường học, tài trợ trang thiết bị cho các trường cấp 1 và 2. Theo Isabelle Muller, đó là việc thực hiện di nguyện của mẹ, tri ân những người đã từng giúp đỡ mình, quê hương Việt Nam.

Theo Lao động