'Dư âm' là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: ĐỘC LẬP

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông qua đời tại nhà riêng ở Q.1, TP.HCM vào khoảng 17 giờ 15 chiều 26.12 sau thời gian dài chống chọi nhiều bệnh tật của tuổi già. Lễ nhập quan diễn ra vào 7 giờ ngày 27.12, 10 giờ di quan đến Nhà tang lễ TP.HCM; linh cữu sau đó được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương vào ngày 29.12.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý những năm cuối đời - Ảnh: ĐỘC LẬP

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý (1924) tại Vinh (Nghệ An). Ông xuất thân trong gia đình truyền thống âm nhạc, lại được một linh mục người Tây Ban Nha dạy nhạc lý từ nhỏ.  Khi làm ca sĩ ở phòng trà Moongate (Vinh) lại được một nhạc sĩ người Thượng Hải dạy đánh đàn Hạ uy di theo phong cách Mỹ. Đến khi tham gia kháng chiến chống Pháp ông được các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên dìu dắt...

Tác phẩm đầu tay của ông là bài hát Ai xây chiến lũy được viết 1949, nhưng ca khúc được công chúng biết đến nhiều nhất của ông là Dư âm (ra đời khoảng năm 1950).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc phẩm nổi tiếng gắn với tên tuổi của ông trong sự nghiệp sáng tác gồm: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Mẹ yêu con, Cô đi nuôi dạy trẻ, Vượt trùng dương…  Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có hai người con: người con đầu sống tại Hà Nội, người con gái thứ hai sống ở TP.HCM. Thu nhập của ông lúc về già chủ yếu từ tiền tác quyền, và những năm gần đây được ông cho biết khoảng vài triệu/tháng.

Theo thanhnien