Bản nhạc Con đường xưa em đi chịu nhiều sóng gió.

Đầu tiên là scandal cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 cực kỳ vô lý, kéo theo việc Cục trưởng Cục NTBD phải rời ghế. Tiếp đến là tranh cãi sục sôi về ca sĩ 2 miền Nam Bắc và sự soán ngôi kỳ lạ của Bolero... 

“Lạm quyền” cấp phép và vướng chuyện bản quyền

Nếu nói quản lý để giúp nghệ thuật phát triển tốt hơn thì ở đây, quy trình lại đi hơi ngược. Trong việc quản lý lĩnh vực âm nhạc, một số ca khúc từng lưu hành bình thường bỗng dưng bị ngưng vô thời hạn, điển hình là “Con đường xưa em đi”. Rồi những ca khúc sống trong lòng công chúng bỗng dưng bị thông báo phải xin phép mới được hát, trong đó có cả… “Tiến quân ca”.

Trào lưu “cấm hát” còn lan sang cả ca khúc “Thời hoa đỏ” - một ca khúc cách mạng chính hiệu. Nguyên nhân vẫn là do cơ chế xin cho tồn tại, khiến các hãng băng đĩa, các đơn vị cá nhân tổ chức biểu diễn luôn bị “hành”. Kết cục, vì dấu hiệu lạm quyền này, ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn buộc phải xin lỗi công luận và chuyển công tác.

2017 cũng là năm rộ lên chuyện thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đề ra. Các cơ sở cho rằng việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý vì họ đã thanh toán cước thuê bao truyền hình cáp. Tuy nhiên, sau một thời gian dừng lại để tính toán và trình lên Cục Bản quyền, VCPMC vẫn tiếp tục thu phí tác quyền của các khách sạn là 25.000 đồng/tivi/năm.

Tiếp đến là chuyện vi phạm bản quyền vẫn tiếp diễn. Ca sĩ Noo Phước Thịnh bị gỡ MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” vì chưa xin phép tác giả nước ngoài, dù chỉ mượn một đoạn hòa âm ngắn. Tương tự, MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh cũng sử dụng 2 đoạn hòa âm không xin phép, Bảo Anh phải đóng 100 triệu cho đơn vị giữ bản quyền.

Với MV “Em thì không” của Mỹ Tâm bị vướng mắc phải đổi ca từ vì không xin phép nhạc sĩ viết lời Việt cho ca khúc. Không những thế, một số bài hát bị tố copy giai điệu ngoại như “Đâu chỉ riêng em” (Mỹ Tâm), “Ghen” (Min và Erik), “Ánh nắng của anh” (Đức Phúc)...

“Cơn sóng Bolero” đánh chìm tất thảy

Sự lên ngôi mạnh mẽ của dòng nhạc Bolero vừa gây nhiều tranh cãi, song cũng vừa cho thấy vùng trũng chưa có cái mới để thay thế.

Rất nhiều ca sĩ từ các lĩnh vực khác nhau của âm nhạc cũng nhảy vào làm MV, single Bolero. Các cuộc thi Bolero cũng nở rộ trên truyền hình, thu hút đông nghịt người dự tuyển. Thậm chí, chúng ta còn có cả “kịch... Bolero”.

Cùng trào lưu này, các ca sĩ hàng sao cũng làm liveshow đậm đặc chất Bolero, từ Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng đến ngay cả người từng lo ngại trào lưu Bolero sẽ khiến “nhạc Việt thụt lùi” gây nhiều tranh cãi như Tùng Dương cũng… thử hát Bolero. Điều này khiến dòng nhạc này bão hòa, người nghe cũng bắt đầu ngán các món “lẩu Bolero” trên truyền hình.

Năm vừa qua cũng nổ ra tranh cãi khi Thanh Lam nhận định “trong miền Nam nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”. Nhiều nghệ sĩ đã phản ứng với quan điểm này và cho rằng tốt nhất, không nên so sánh ca sĩ vùng miền. Tuy nhiên, không phủ nhận là một số hotgirl đi hát đã “khuynh đảo” cả làng nhạc vì lý do bất chấp mọi thứ, kể cả giọng hát quá dở, khiến người nghe ra sức “bình loạn”, như trường hợp của Chi Pu...

Nhưng vẫn có những ca sĩ kiên định đi theo con đường riêng, không theo trào lưu như Đăng Dương với live show “Mặt trời của tôi”, Trọng Tấn và Anh Thơ với “Tình ta biển bạc đồng xanh 2”, Phạm Thu Hà có album “Đường em đi”. Tiếp theo đó, liveshow sắp tới được đặt nhiều hy vọng khi Lê Cát Trọng Lý đi du học trở về sẽ đưa âm nhạc Việt sang một trang hoàn toàn khác - giống như một nhạc sĩ từng hy vọng sang năm 2018 - những luồng sinh khí mới sẽ thổi tới làng nhạc Việt.

Theo Lao động