Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỉ lệ người lao động nước này phải làm việc trên 60 giờ/tuần xuống tối đa 5% vào năm 2020.

Khảo sát lấy ý kiến từ 35.000 giáo viên, viên chức giáo dục tại Nhật Bản. 80,7% trong số đó cho biết họ bị stress hoặc cảm thấy lo lắng liên quan tới công việc. Rất nhiều thầy cô đồng tình rằng thời gian làm việc quá dài mỗi ngày là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng của họ.

Những nguyên nhân khác gây ra tình trạng stress ở các giáo viên là mối quan hệ với đồng nghiệp tại nơi làm việc (40,2% người tham gia khảo sát lựa chọn) và mối quan hệ với phụ huynh học sinh, (38,3%).

Tình trạng người dân phải làm việc tới kiệt sức vốn không xa lạ gì tại Nhật Bản. Chính phủ nước này năm 2014 đã phải thông qua đạo luật nhằm thúc đẩy những biện pháp ngăn chặn khả năng tử vong do làm việc quá độ.

Khi được hỏi về những đề xuất nhằm ngăn chặn tình trạng quá tải do công việc, 78,5% các thầy cô, viên chức tham gia khảo sát yêu cầu tăng số lượng nhân viên, 54,4% yêu cầu xem xét lại các hoạt động tại trường học, 43,1% mong muốn có sự trao đổi, tương tác tốt hơn giữa các giáo viên và 38,8% yêu cầu giảm thời lượng các cuộc họp tại nhà trường.

Báo cáo đi kèm khảo sát cũng đề cập tới việc thực hiện các bài kiểm tra mức độ stress để người lao động ý thức về tình trạng của bản thân và giúp tạo ra môi trường làm việc tốt hơn.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỉ lệ người lao động nước này phải làm việc trên 60 giờ/tuần xuống tối đa 5% vào năm 2020. Con số này vào năm 2017 là 7,7%, không thay đổi so với số liệu ghi nhận năm 2016.

Theo Dân trí