Yulia, 18 tuổi, có thể đã trở thành sinh viên trường nghệ thuật, đơn cử như Đại học Nghệ thuật Lasalle (Singapore) để theo đuổi đam mê âm nhạc và sân khấu. Tuy nhiên, nữ sinh giờ đây mắc kẹt trong khối ngành khoa học tại Viện Hwa Chong, nơi nghiên cứu về sinh học, hóa học, toán học và văn học.

"Nếu thất bại trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi nghĩ vẫn an toàn hơn khi có bằng tốt nghiệp giáo dục cơ bản, vì nghệ thuật rất khó cạnh tranh", nữ sinh nói.

Lo âu của Yulia cũng là tâm lý chung của không ít học sinh, sinh viên Singapore hiện nay. Sau kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) công bố ngày 3/12, 3/4 học sinh Singapore cho biết phải vật lộn với nỗi sợ thất bại.

Cụ thể, 78% học sinh Singapore dưới 15 tuổi coi thất bại là điều khiến mọi người nghi ngờ về khả năng và tương lai của các em. Con số này cao hơn mức trung bình 54% học sinh tại các nước tham gia làm bài kiểm tra PISA. Tỷ lệ cao vượt ngưỡng bình thường này khiến người dân Singapore tự đặt ra câu hỏi điều gì khiến thế hệ tương lai chùn bước trước thất bại?

Quay trở lại câu chuyện của Yulia, dù trí thông minh đưa em vượt qua kỳ thi vào một trong những trường đại học hàng đầu Singapore, nữ sinh phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu từ năm 9 tuổi.

Yulia cho biết căn bệnh không liên quan đến gia đình mà do môi trường học đầy tính cạnh tranh em bắt đầu tiếp xúc từ năm 7 tuổi. Trước khi vào Viện Hwa Chong, em từng học tại trường tiểu học Nan Hua và trường nữ sinh Nanyang, hai ngôi trường danh giá tại Singapore với chất lượng học sinh thuộc hàng đầu.

"Áp lực phải làm thật tốt ngăn em đạt được những gì mình muốn và bị chi phối bởi nỗi sợ hãi, luôn tự đặt câu hỏi điều gì xảy ra nếu bài kiểm tra này, lần thi này không làm tốt", Yulia nói, cho hay một số giáo viên đã khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Nữ sinh nhớ lại một giáo viên tại Viện Hwa Chong đã công bố điểm thành phần, điểm thi của tất cả sinh viên trong lớp, từ đó các bạn sẽ nhìn vào điểm số của nhau, tự so sánh và thúc đẩy tính cạnh tranh.

Học sinh Singapore làm bài kiểm tra. Ảnh:Today Online

Học sinh Singapore làm bài kiểm tra. Ảnh:Today Online

Chia sẻ với Yulia, Jaren Ong (19 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Saint Andrew) nhớ lại khi đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra tại trường phổ thông, mọi người xung quanh sẽ chất vấn bằng những câu hỏi như: "Tại sao em không học?", "Em có thể học tập nghiêm túc hay không?", "Em có muốn một công việc tốt trong tương lai hay không?". Những câu hỏi bủa vây Ong suốt quãng thời gian đi học, khiến em sợ hãi mỗi lần có kết quả bài thi.

Theo Ong, thay vì chất vấn học sinh bằng những câu hỏi tương tự, giáo viên và cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bao gồm học sinh đó có thực sự thích môn học hay không và nếu không thì làm thế nào để gợi hứng thú. "Em học vì sợ phải thất bại nhưng đây không phải lý do tại sao một đứa trẻ cần phải đi học, đó là sự thúc đẩy tiêu cực", Ong nói.

Chun Win Ee (27 tuổi, cựu sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang) từng được bạn bè ngưỡng mộ vì đạt điểm trung bình học tập hoàn hảo. Nhưng không nhiều người biết rằng anh phải chiến đấu với nỗi sợ thất bại mỗi ngày.

Ở tất cả môn học, Ee đều ôn luyện kỹ càng, có thể thuộc lòng từng từ những cuốn vở ghi chép và làm đi làm lại bài tập để đạt điểm cao. "Tôi không muốn làm mọi người thất vọng vì thất bại nên cố gắng ôn tập hết khả năng, nhưng trớ trêu thay đó lại là lý do tại sao tôi luôn làm tốt", anh nói, cho hay trong kỳ thi môn Thống kê đã mất 15 phút đầu giờ để kiểm soát sự lo lắng bằng kỹ thuật thiền và hít thở.

Đối với Daryl Yang (26 tuổi, cựu sinh viên Viện Raffles), việc đạt điểm cao chỉ càng làm trầm trọng thêm nỗi sợ thất bại. Đạt số điểm ấn tượng 261 trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học PSLE, Yang dành quãng thời gian học tập sau đó để chứng minh rằng đây không phải là may mắn. Yang quyết định bỏ học môn Văn học và Sinh học tại trường mặc dù rất yêu thích hai môn này vì sợ phải nhận điểm kém, thay vào đó mắc kẹt trong việc chứng minh với bạn bè rằng mình học tốt hơn.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Yang đăng ký vào Đại học Yale-NUS, nơi không đánh giá học sinh thông qua điểm số. "Điều này cho phép tôi khám phá sở thích cá nhân, nghiêm túc suy nghĩ về những gì mình đang học", Yang vui vẻ nói.

Nhiều nhà tâm lý học Singapore cũng cho rằng nỗi sợ thất bại đang lan tràn nhanh chóng tại quốc gia này. Nhà tâm lý học lâm sàng Joel Yang từng thấy nhiều học sinh, sinh viên không chịu đến trường, thậm chí bỏ qua các kỳ thi. "Thật đáng buồn khi thấy những đứa trẻ thông minh phải trốn tránh, suy sụp trước kỳ thi vì sợ không đánh bại chúng", ông nói.

Nhiều phụ huynh Singapore cũng đang trực tiếp thúc đẩy tâm trạng tiêu cực ở con cái. Mdm Iris Sim, 39 tuổi, tiết lộ đầu tư rất nhiều cho con để đảm bảo không bị tụt lại tại trường tiểu học danh giá mà cô đăng ký. "Tại Singapore, bạn cần học tập chăm chỉ để đưa ra những lựa chọn hoặc làm những gì bạn muốn", bà mẹ nói.

Suy nghĩ này bắt nguồn từ việc người Singapore luôn được dạy rằng đất nước không có tài nguyên thiên nhiên và con người là tài nguyên tốt nhất của quốc gia. Theo cách tự nhiên, cha mẹ Singapore sẽ dành hết mọi thứ để tạo ra những "tài nguyên tương lai" có giá trị nhất. Áp lực từ suy nghĩ này thúc đẩy những đứa trẻ phải không ngừng cố gắng và thành công ngay từ lần đầu tiên vì chúng sẽ rất khó có cơ hội thứ hai.

Để giúp thế hệ trẻ của Singapore vượt qua nỗi sợ thất bại, tiến sĩ Timothy Chan, Giám đốc bộ phận Đời sống học sinh, sinh viên tại Học viện Quản lý Singapore cho rằng Bộ Giáo dục nên tuyên truyền đến giáo viên rằng thất bại là một phần của cuộc sống hàng ngày và không nên xấu hổ. "Nếu học sinh không thể đưa ra câu trả lời chính xác, thầy giáo phải chỉ ra giúp các em thấy những điều có thể học được từ sai lầm", ông nói.

Theo vnexpress