Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Số sinh viên thất nghiệp có phải là chất lượng cao?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rằng, con số 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học đang không có việc làm có phải là nguồn lao động chất lượng cao không? Nếu đúng là như vậy thì tại sao sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp? Có hay không việc chất lượng đào tạo chưa tốt, thể hiện sự kết nối kém giữa hai Bộ: GD&ĐT và LĐTB&XH?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sinh viên tốt nghiệp ĐH thì gọi là lao động chất lượng cao. Tuy nhiên cái cao này vẫn có cái chất lượng chưa đạt chuẩn ĐH.

“Tôi đồng ý có việc nhiều sinh viên trong số 200.000 em ra trường không có việc làm có chất lượng không đảm bảo. Hầu hết sinh viên có chất lượng nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm do nhiều nguyên nhân. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH thực hiện chặt hơn việc dự báo thị trường lao động, chỉnh sửa lại chương trình đào tạo cho tốt. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm”.

Với phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời thêm bằng văn bản. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu làm rõ lý do vì sao đào tạo chưa đạt chất lượng, rõ ràng có vấn đề trong việc liên kết giữa đào tạo và cung ứng lao động.

Xin đại biểu và nhân dân ủng hộ hướng nghiệp

Ảnh minh họa

"Chia lửa" với tư lệnh ngành giáo dục, vào cuối phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bổ sung thêm về các vấn đề được đại biểu quan tâm. Nói về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, ông Vũ Đức Đam cho rằng tỉ lệ thất nghiệp dựa trên con số 200.000 nói trên, chiếm khoảng 4%. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp trung bình ở các nước trên thế giới là 7%.

“Chúng ta không nhất thấy phải yêu cầu cứ học ĐH trở lên thì phải có việc 100%, quy định có một tỉ lệ nhất định thất nghiệp là bình thường trên thế giới. Việc đó thúc đẩy cạnh tranh của các cơ sở giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, một trong những việc cần làm ngay theo Phó thủ tướng, là thực hiện hướng nghiệp. “Tôi xin đại biểu và nhân dân đồng tình với vấn đề hướng nghiệp ngay từ cấp THCS. Chúng ta đừng lo học THCS xong mà sang học nghề thì không đủ kiến thức, vì cả thế giới đều làm vậy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo ông Vũ Đức Đam, hướng nghiệp sẽ thực hiện ngay sau bậc THCS. Theo đó sẽ phân luồng, một luồng học nghề và một luồng học lên THPT. Học THPT xong thì một luồng tiếp tục học nghề, luồng khác học lên ĐH theo hướng hàn lâm nghiên cứu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, học xong THCS mà đi học nghề không có nghĩa trong quá trình dạy nghề không dạy văn hóa, chỉ có điều là dạy theo cách của người làm nghề.

Một giải pháp trọng tâm, theo ông Vũ Đức Đam là nhất định phải nâng cao chất lượng đại học, trong đó phải đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định chất lượng, xếp hạng đại học. Một điều nữa cần công khai thông tin là phân tích qua việc tuyển sinh vừa rồi để định hướng cho học sinh học những ngành nghề nào thì có việc làm tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng, vừa rồi Chính phủ chỉ đạo và Bộ GD&ĐT tiến hành khảo sát, cho thấy năm 2017 các trường có điểm đầu vào trên 27 điểm thì tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng là 96%. Nhóm trường từ 24 đến 27 điểm là 93% và nhóm trường từ 20 đến 24 điểm thì có tỉ lệ chỉ 84% .

Khảo sát này cho thấy, tỉ lệ chung là các sinh viên sau khi ra trường trong vòng 12 tháng có việc làm đạt xấp xỉ 90%, như vậy chỉ hơn 11 các em không kiếm được việc. “Đương nhiên số có việc làm này cũng không phải là làm việc phù hợp với ngành nghề đào tạo. Vì có khoảng 19% số các em ra trường làm công việc không xứng đáng ở cấp ĐH”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

 Phúc Nguyên