Nhà văn hóa Hữu Ngọc xem lại cuốn "Mảnh trới Bắc Âu - Phác thảo Văn hóa Thụy Điển" - cuốn sách đầu tiên viết về đất nước Thụy Điển của ông.

Với Hữu Ngọc, Đông vẫn là Đông mà Tây vẫn cứ Tây, nhưng cũng có thể gặp gỡ, giao thoa, chí ít là trong “địa hạt” xuất nhập khẩu văn hóa mà ông theo đuổi cả cuộc đời mình.

Hỏi tại sao cả Tây lẫn Ta lại gọi Hữu Ngọc là “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa” giữa Đông và Tây, ông bảo là vì nước mình vốn bị đô hộ, cương tỏa đã nhiều, cái hay cái đẹp bên ngoài mình không biết gì, cái tinh túy, bản sắc riêng của dân tộc mình bên ngoài lại cũng rất mơ hồ. Thậm chí, nhiều người trong nước lại cứ cho là cái gì Việt Nam cũng nhất, trong khi nhiều người nước ngoài còn cho văn hóa Việt Nam là văn hóa Tàu. Vì vậy, tôi cố giới thiệu những cái tinh túy của bên ngoài vào và đưa những nét đẹp trong văn hóa của mình ra bên ngoài để đối sánh. Tôi muốn làm rõ là, dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Pháp và nhiều quốc gia khác nhưng cơ bản là Việt Nam vẫn có một nền văn hóa riêng của người Việt.

Lý giải tại sao ông lại chọn ảnh bìa cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam – một cuốn “Tự điển văn hóa”  Việt Nam là cây đa 3.000 năm, ông bảo: Văn hóa Việt là cái gốc cây, là văn hóa đặc biệt sinh ra ở Đông Nam Á, là văn hóa lúa nước. Các cành cây là hình ảnh của văn hóa nước ngoài. Cái gốc của văn hóa Việt được xây dựng từ 1.000 năm trước Công nguyên rồi chịu ảnh hưởng của văn hóa nhiều nước. Cái gốc văn hóa, nét đẹp văn hóa chính là sức mạnh mềm của mỗi dân tộc, nó có sức mạnh ghê gớm lắm. Mặc dù thế giới từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây luôn có những cuộc chiến tranh, xung đột, nhưng chiến tranh chỉ là tạm thời. Hòa bình để sống với nhau mới là lâu dài. Mà như thế thì phải hiểu văn hóa của nhau. Trong văn hóa không có biên giới, không còn tồn tại biên giới.

Sau khi hết chiến tranh Pháp, Nhật vài năm thì tôi viết về văn hóa Pháp, văn hóa Nhật. Hết chiến tranh với Mỹ, tôi viết văn hóa Mỹ. Bởi tôi nghĩ, người Việt Nam, người Mỹ, người Pháp, người Nhật sinh ra không phải để đánh nhau mà để sống hòa bình. Muốn hòa bình như thế thì phải để người Việt Nam hiểu văn hóa Pháp, Mỹ, Nhật có cái đẹp ra làm sao. Văn hóa Trung Quốc có cái gì tốt để Việt Nam mình cần tìm hiểu và ngược lại. Đấy là mục tiêu chính của tôi.

Giờ đây, trong thời buổi mới, nếu người Việt Nam cứ nằm ở trong rọ cua, không biết gì hoặc không biết thấu đáo về nước ngoài và để bên ngoài vẫn mơ hồ về Việt Nam, về văn hóa Việt Nam thì khó phát triển được. Văn hóa chính là con đường dễ và ngắn để Tây - Đông gặp gỡ, thấu hiểu nhau hơn để cùng nhau phát triển, sống chung trong hòa bình, như chúng ta đã và đang làm và làm rất tốt.

Đó là câu chuyện ông chia sẻ với chúng tôi, khi lại vừa được Hà Nội vinh danh là Công dân ưu tú của Thủ đô hồi đầu tháng Mười. Còn hôm đến chúc mừng Sinh nhật ông 100 tuổi, tôi biết nếu đến đúng ngày 22 tháng 12 sẽ phải xếp hàng dài dài, nên xin phép được đến vào chiều muộn ngày 21. Chờ cho khách và những cuộc điện thoại chúc mừng đã vãn, ông đưa tôi một xếp thiệp chúc mừng và bảo đọc một số, những thiệp vừa gửi đến. Tôi thấy có cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Rolf Bergman, thấy Lady Borton, nhà văn Mỹ, một người bạn thân thiết của ông, thấy Đại sứ Thụy Điển hiện nay tại Việt Nam Pereric Högberg và rất nhiều tên tuổi khác nữa...

Sau đó, đến nhiệm vụ “đặc biệt” mà Nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí (Bộ Ngoại giao), nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Ai Cập, Kuwait, Palestine và Syria giao cho tôi, là đọc bài thơ chúc mừng sinh nhật Hữu Ngọc tuổi 100 của ông.

Cụ Hữu Ngọc trăm tuổi đời

“Khủng long văn hóa” đất trời Việt Nam

Nhiều tác phẩm có tiếng vang

Khắp Âu, Á, Mỹ ngập tràn lời khen

Chính khách thế giới làm quen

Muốn được tiếp kiến hàn huyên, luận bàn

Văn chương, nghệ thuật dân gian

Của nền văn hóa Việt Nam trữ tình

Hữu Ngọc vừa được vinh danh

Công dân ưu tú Hà thành xứng tên

Chúc cụ mạnh khỏe sức bền

Bạn bè con cháu tự tin bên chàng.

Chúng tôi cũng xin mượn lời thơ của Đại sứ Trần Tam Giáp, chúc “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, người đã chứng minh ngược lại với Kipling rằng, Tây và Đông vẫn có thể gặp nhau – “mạnh khỏe sức bền”, để tiếp tục đưa Tây và Đông xích lại gần nhau thêm nữa.

Theo Thế giới và Việt Nam