Năm 2020, trong 10,7 triệu thí sinh Trung Quốc dự thi gaokao (cao khảo) - kỳ thi Đại học được cho là khốc liệt nhất thế giới - chỉ có 44% đỗ vào các trường đại học chính quy. Số còn lại sẽ không có cơ hội bước chân đến giảng đường với kỳ vọng "thay đổi vận mệnh".

Nói một cách "phũ phàng", gaokao là kỳ thi quyết định học sinh sẽ trở thành công nhân hay nhân viên bàn giấy trong phần đời còn lại của họ.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều người đặt câu hỏi, mục tiêu của học sinh và phụ huynh chỉ là "có thể vào một trường đại học". Liệu tốt nghiệp đại học rồi có thành công trong tương lai? Cuộc thi có ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của những đứa trẻ đang ngày đêm đèn sách hay không?

Phải mất 6 năm, đạo diễn Trịnh Kỳ mới hoàn thành bộ phim tài liệu "Lối thoát". Nội dung kể về quá trình trưởng thành của 3 đứa trẻ sống ở nông thôn và thành thị.

Nhân vật chính đầu tiên là Mã Bạch Quyên, một cô bé đến từ vùng quê nghèo của tỉnh Cam Túc.

Những đứa trẻ 12 tuổi trong thôn đều đã tốt nghiệp tiểu học, nhưng ở lứa tuổi đó, vì gia đình không có tiền, Bạch Quyên mới chỉ học đến lớp 2. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên vách núi, mỗi năm thu nhập của gia đình không quá 1.000 tệ (3,3 triệu đồng). Cuộc sống thiếu thốn đủ đường.

                    Nhân vật Mã Bạch Quyên trong phim tài liệu "Lối thoát". Ảnh: sohu.

Dù sinh ra trong một gia đình như vậy, Bạch Quyên vẫn có giấc mơ được đến Bắc Kinh học đại học. "Con sẽ học đại học rồi đi làm. Con có thể kiếm được 1.000 tệ mỗi tháng và mua mì. Hiện gia đình con đến mì cũng chẳng có mà ăn", cô bé nói trong một tập phim.

Dù rất cố gắng nhưng khi 15 tuổi, Bạch Quyên phải bỏ học, rời nhà tìm việc làm trong thành phố. Vì tuổi nhỏ cộng với vóc dáng thấp bé, cô bé chỉ làm được những công việc chân tay, trả lương rẻ mạt theo giờ.

Nhân vật thứ hai tên Từ Giai, chàng trai đến từ một gia đình khó khăn tại tỉnh Hồ Bắc.

Vào được đại học là mục đích lớn nhất của Từ Giai và cũng là kỳ vọng to lớn của bố mẹ. "Ngay cả khi bạn muốn làm việc bán thời gian, bạn cũng phải tốt nghiệp đại học chứ không ai nhận người không bằng cấp", Từ nêu quan điểm.

Khi Từ xuất hiện trong bộ phim, chàng trai này đã thi gaokao lần thứ 3, năm đó anh đã gần 20 tuổi. Từ nằm trong số ít người chọn fudu (xu hướng thi đại học nhiều lần) nhằm nỗ lực đạt điểm số cao đủ để trúng tuyển các trường đại học top đầu ở Trung Quốc.

Sau nhiều cố gắng, Từ đã thi đỗ vào đại học mong muốn. Cuộc sống sau này giống như Từ hình dung: tốt nghiệp đại học, tìm được công việc tốt, làm việc chăm chỉ rồi mua nhà thành phố. Dù mất nhiều năm cố gắng, nhưng sau này Từ có cuộc sống nhiều người mơ ước. "Đó là cuộc sống đàng hoàng và bố mẹ có thể tự hào về tôi", chàng trai trẻ chia sẻ.

Nhân vật thứ 3 xuất thân từ một gia đình giàu có ở Bắc Kinh, có tên là Viên Tiểu Hàm. Từ mẫu giáo đến trung học, Viên đều được học những trường tốt nhất thành phố.

Gia đình luôn hỗ trợ mọi việc Viên làm như tham gia nghệ thuật, sang Đức học tập, mở quán bar... Cuối cùng cô gái này đã tự thành lập một công ty truyền thông và trở thành Giám đốc điều hành.

Sau khi xem hành trình của ba nhân vật, nhiều người nhận xét, sự phân hóa giai cấp rất rõ trong bộ phim này. "Một số người không có cơ hội đến được điểm đích cuộc đời nhưng số khác sinh ra đã ở điểm đích", họ để lại bình luận.

Kết quả điều tra của Đại học Harvard cho thấy 46% sinh viên năm nhất đến từ các gia đình siêu giàu, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 26,6% của năm ngoái. Ảnh: Harvard Crimson.

Gần đây, Đại học Harvard đã khảo sát lý lịch sinh viên năm nhất năm học 2021 và kết quả được công bố trên tờ nội san của trường.

Theo đó, gần 30% sinh viên có cha mẹ hoặc người thân từng là cựu sinh viên Harvard. 46% sinh viên năm nhất đến từ các gia đình siêu giàu, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 26,6% của năm ngoái.

Những dữ liệu này cho thấy nền tảng giáo dục của cha mẹ càng cao, khả năng tài chính càng mạnh thì khả năng con trở thành người ưu tú càng nhiều.

Đại học Johns Hopkins ở Mỹ cũng đã nghiên cứu sự thay đổi cuộc sống của 790 trẻ em trong 25 năm, quan sát hiệu suất của mỗi đứa trẻ ở các khía cạnh khác nhau sau khi học tiểu học, trung học, đại học và đi làm. Theo đó, hành vi và trạng thái tâm lý tiết lộ những bí mật về sự kế thừa của các gia đình phương Tây và rút ra kết luận.

"Trong số 790 trẻ em, chỉ có 33 trẻ xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, đạt được thành công và gia nhập nhóm thu nhập cao ở độ tuổi 30. Với những trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, chỉ có 19 người rơi vào nhóm người nghèo khi trưởng thành".

Ở các nước phương Tây, việc vượt tầng lớp thấp lên tầng lớp cao thực sự rất khó khăn. Những đứa trẻ ưu tú thừa hưởng tinh hoa tầng lớp cao từ cha mẹ mình thông qua giáo dục. Trong khi trẻ ở tầng lớp lao động thấp bị lớp tinh hoa từ chối vì những rào cản vô hình khác nhau.

The Up Series (7 năm cuộc đời) là một bộ phim tài liệu của BBC quay lại câu chuyện cuộc đời của 14 đứa trẻ khác nhau từ năm lên 7 cho đến khi họ 56 tuổi. Đây được xem là một trong những bộ phim tài liệu xuất sắc nhất của Anh, đem đến cái nhìn sâu sắc và đầy tính chiêm nghiệm cho câu hỏi: Điều gì xảy ra với số phận của con người khi họ trải qua những phương pháp giáo dục không giống nhau?

Những đứa trẻ trong bộ phim tài liệu kéo dài hàng chục năm mang tên The Up Series (7 năm cuộc đời) của đài BBC.

Đầu bộ phim, đạo diễn đưa ra nhận định: "Tầng lớp xã hội của mỗi đứa trẻ sẽ có ảnh hưởng đến tương lai của chúng." Ba đứa trẻ con nhà thượng lưu đều có kế hoạch rõ ràng cho tương lai của bản thân. Còn những đứa trẻ lớn lên trong khu ổ chuột thậm chí còn không dám mơ về điều gì xa vời trong tương lai. Điều chúng hy vọng chỉ cần là đủ ăn và có thể kiếm được ít tiền nuôi sống bản thân.

Tuy nhiên Nick, một cậu bé sống trong khu ổ chuột đã vượt qua khó khăn và trở thành sinh viên Đại học Oxford danh tiếng.

Ở tuổi 40, Nick là giáo sư Đại học Wisconsin (Mỹ), thay đổi hoàn toàn vận mệnh của bản thân và gia đình. Vị giáo sư này từng nói: "Mọi người không thể chắc chắn tài sản của mình có để lại được cho thế hệ sau hay không, nhưng có thể chắc chắn một điều, chỉ có giáo dục mới thay đổi được số phận".

Giống như nhân vật Từ Giai trong bộ phim "Lối thoát", cậu đã rất nỗ lực để thoát khỏi nghèo khó và tìm được chỗ đứng xứng đáng trong xã hội Trung Quốc.

"Hãy luôn cố gắng học tập, ít nhất để nắm bắt cơ hội đã chạy qua những người bỏ cuộc", chàng trai này nói.

Gần đây, nhiều phụ huynh Trung Quốc phàn nàn hệ thống tuyển sinh của nước này không công bằng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia giáo dục, ngay cả khi những bất công và bất hợp lý còn tồn tại thì kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn đang công bằng nhất cho tất cả học sinh tại đất nước tỷ dân.

"Đối với hầu hết người bình thường, đây cũng là cách dễ nhất và tốt nhất để đạt tới một giai tầng mới", Chu Triệu Huy- nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia bình luận.

Theo nhà giáo dục này, đừng nên coi gaokao là điểm khởi đầu của cuộc sống, nó cũng không có khả năng thay đổi cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên nó lại trao cơ hội cho mọi đứa trẻ bình thường tìm tới con đường đến thành công, mở cánh cửa lên một tầng lớp cao hơn.

Quách Đức Cương là một nghệ sĩ hài nổi danh khắp Trung Quốc, với công ty riêng thu về hàng triệu USD mỗi năm. Nghệ sĩ này từng chia sẻ câu chuyện thời thơ ấu của mình.

"Gia đình tôi rất nghèo. Có những ngày tan học thì trời mưa. Trong khi các bạn khác thong dong về nhà với chiếc ô trên tay thì tôi chỉ biết chạy đầu trần về trong tuyệt vọng. Nhưng quan trọng là tôi vẫn chạy về được nhà".

Quách cũng thừa nhận, những đứa trẻ có ô thật là may mắn, nhưng những đứa trẻ không có ô như anh năm đó cũng không cần phải thở dài.

"Hầu hết mọi gia đình đều có những chiếc ô cho con, nếu không có ô lớn thì sẽ có ô nhỏ. Nếu bạn chăm chỉ, bạn vẫn có thể có một chiếc ô, miễn là chăm chỉ kiếm tiền mua nó. Ngay cả khi điểm xuất phát thấp hơn thì tôi vẫn không đứng lại mà cố gắng chạy nhanh về phía trước để tiến gần hơn vạch đích của mình", nghệ sĩ nói.

Theo vnexpress