Bìa cuốn sách “Một chữ Tâm rưng rưng... Chân dung 12 nữ nhà văn”

"Một chữ Tâm rưng rưng... Chân dung 12 nữ nhà văn", do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành tháng 10-2018, ra mắt đúng dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) lại càng ý nghĩa hơn nữa.

Tác phẩm, những bài bình, bài cảm nghĩ về 12 nhà văn, nhà thơ được sưu tầm trong cuốn sách đem đến cho người đọc một cảm giác hoài vọng về quá khứ và có một lòng trân quý sâu xa đối với những tác giả nữ này. Bởi, có 2 nhà thơ nữ đã quá cố và người trẻ nhất trong họ, cũng đã 70 tuổi rồi. Cố nhà văn Minh Quân (1928-2009), cố nhà thơ Phương Đài (1933-2016), nhà thơ Lê Giang (SN 1933), nhà văn Vũ Thị Thường (1930), nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình (1935), nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (1937), nhà thơ Trương Tuyết Mai (1944), nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (1944), nhà văn Thùy An (1944), nhà văn Kim Hài (1946), nhà thơ Đặng Nguyệt Anh (1948) và nhà thơ Trần Thị Thắng (1948).


Mặc dù sinh ra ở mọi miền đất nước nhưng từ sau 1975, họ đã có một quãng thời gian dài sống ở TP HCM, đã đóng góp tài hoa của mình trên mọi lĩnh vực văn hóa văn nghệ cho thành phố này. Họ vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch bản, nhà sưu tầm văn hóa dân gian, nhạc sĩ… đồng thời nhiều người trong số họ cũng từng là những chiến sĩ đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì có những cống hiến trên lĩnh vực văn học, họ đều là hội viên Hội Nhà văn TP HCM và 8 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong số họ có người đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ai mà không nhớ đến nhà thơ Phương Đài, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, có cốt cách, dòng dõi cao quý đều tham gia cách mạng, chịu tù đày, tra tấn…

Độc giả nào không biết đến nhà văn Vũ Thị Thường từng có tác phẩm được giảng dạy trong chương trình phổ thông. Những ai nặng lòng với văn hóa dân gian không thể không biết đến nhà thơ Lê Giang, từ thơ đến tản văn của bà đều nhuần nhụy sắc thái Nam Bộ. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai nổi tiếng với nhạc phẩm "Huế tình yêu của tôi" phổ thơ Đỗ Thị Thanh Bình. Giới phóng viên quý phục nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải với những bài phỏng vấn sắc sảo…

Cái tài hoa của 12 nhà thơ, nhà văn toát ra một cách hồn hậu, tự nhiên, chân thành và hiền hòa. Tôi yêu những truyện ngắn, câu chuyện đồng thoại, những bài tản văn, những bài thơ toát ra tình yêu con cái, gia đình, làng xóm, thiên nhiên, quê hương, đất nước… tựa như một dòng suối róc rách, nhẹ nhàng chảy tràn và tưới tắm trái tim độc giả.

Khá nhiều nhà văn nữ trong 12 nhà văn, nhà thơ nói trên viết truyện cho thiếu nhi như Kim Hài, Vũ Thị Thường, Lê Giang, Thùy An… Viết cho thiếu nhi hoàn toàn không dễ, nếu không muốn nói là rất khó, phải là những nhà văn có nội lực văn chương và giọng văn thật trong sáng, cái tâm thật an lành mới có thể viết được.

Đọc tác phẩm của 12 tác giả này, không phải chỉ thấy toát ra cái tài, cái tâm, của người viết mà ngay người tuyển chọn tác phẩm, bài bình cũng thật sự… có tâm. Nhờ những bài bình luận, cảm nhận này, chúng ta nhìn ra thêm được tài hoa lấp lánh và tâm hồn cao quý của họ. Đưa vào không phải chỉ để làm sang cho cuốn sách, mà là để chứng minh rằng, quả thật để những tên tuổi như Viễn Phương, Nguyễn Quang Sáng, Trần Văn Khê, Tôn Phương Lan, Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc,… viết bài và nhận xét với một tấm lòng yêu mến thiết tha, thật không phải dễ…

Tập sách chỉ hơn 350 trang, nhưng cũng để lại cho người đọc dấu ấn về 12 gương mặt nữ có đóng góp cho văn học - nghệ thuật nước nhà nói chung, TP HCM nói riêng trong nửa cuối thế kỷ XX. Cuốn sách ra đời thật có ý nghĩa, vì tôi cho rằng người cầm bút nữ là những người thật dũng cảm và tài năng. Họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ xã hội, thiên chức làm vợ, làm mẹ, vừa sáng tác. Diện mạo của văn học thành phố chúng ta không thể không nhắc đến các tác giả nữ. Còn nhiều nhà văn nhà thơ nữ nữa cũng rất xứng đáng được tôn vinh trong những tuyển tập thế này như nhà thơ Ý Nhi, nhà văn Bích Ngân, Lê Thị Kim, Phan Ngọc Thường Đoan, Lý Lan, Việt Linh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trầm Hương, Thu Nguyệt…