Bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
đang chia sẻ kinh nghiệm thực tế

Học sinh khi đến trường sẽ có những mối quan hệ, giao tiếp ngoài gia đình. Học sinh càng lớn thì tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do chưa có kinh nghiệm ứng xử, các em rất dễ bị tổn thương, lúng túng trong xử lý các tình huống và rất dễ lựa chọn hành vi sai lệch.

Phát biểu tại buổi ra mắt Phòng Tham vấn, bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPNVN), cho biết: Nhiều năm qua, Trung tâm đã tiếp cận và hỗ trợ gần 10.000 ca tham vấn tâm lý, trong đó trẻ em chiếm 30%. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hầu hết các trường học không có phòng tham vấn tâm lý hoặc chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.


Từ kinh nghiệm thực tế trong trị liệu tâm lý cho trẻ, theo bà Hương Giang, thầy cô cũng đóng vai trò hết sức quan trọng vì phần lớn thời gian của trẻ là ở trường học. Vì vậy, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với các trường thí điểm thành lập mô hình phòng Tham vấn học đường. Các chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành với học sinh bằng hình thức lắng nghe, đối thoại. Đó cũng là cầu nối để các thầy cô phối hợp với các bậc cha mẹ học sinh cùng vào cuộc kịp thời, giúp các em tháo gỡ những vấn đề tâm lý.

Phòng Tham vấn có mục tiêu giúp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ về rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đồng thời hỗ trợ tăng cường liên kết giữa học sinh và nhà trường nhằm nâng cao chất lượng học tập. Tất cả những đánh giá về tâm lý của học sinh sẽ được giáo viên thực hiện thông qua các công cụ hiện đại, khoa học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trường Trường Marie Curie, chia sẻ: Giáo dục có nhiều cách, không nhất thiết phải dùng biện pháp trừng trị, kỷ luật. Nếu dùng cách bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng hay yêu cầu cả lớp tát một bạn trong lớp, đuổi học một năm vì vi phạm kỷ luật… thì “giá trị nội hàm giáo dục bằng không”.Với sự kết hợp này, theo thầy Xuân Khang, thay bằng việc kỷ luật, “chúng ta có thể lắng nghe, chia sẻ, thuyết phục và đồng cảm để giúp các em trở thành người tử tế, biết học hành và chung sống tốt với bạn bè”.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, giáo dục toàn diện cho trẻ rất cần sự phối hợp giữa nhà trường - giáo viên - cha mẹ học sinh và chuyên gia tâm lý. “Thầy cô cùng phối hợp, tương tác với gia đình để giúp học sinh sửa lỗi. Như vậy, bố mẹ và nhà trường cùng một “chiến tuyến”. Các chuyên gia tâm lý cũng kịp thời hỗ trợ các thầy cô giáo “nghiên cứu” tâm lý học trò rồi cùng tháo gỡ trong các tính huống cụ thể".

TheoPHunuvietnam.vn