Đại biểu tham gia hội thảo - Ảnh: T.N.

Chia sẻ ại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Hàn Quốc có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học, công nghệ thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ từ chính sách đầu tư giáo dục của nước này.

Theo đó, Hàn Quốc đã chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực gắn với nhu cầu thị trường, đầu tư mạnh cho giáo dục khi 20% chi tiêu của chính phủ dành cho giáo dục, đa dạng mô hình đào tạo, nội dung giáo dục tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục với kế hoạch và tầm nhìn xa, cử người giỏi ra nước ngoài học tập làm chủ công nghệ…

Giáo dục Việt Nam đã có sự phát triển và tiến bộ nhất định nhưng cơ bản vẫn thiếu triết lý, chương trình giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu sáng tạo. Ông Lê Tùng Lâm - Trường ĐH Sài Gòn - đề xuất Việt Nam có thể học tập theo mô hình của Hàn Quốc để phát triển giáo dục.

Ngoài các vấn đề triết lý, đổi mới tư duy quản lý, ông Lâm cho rằng hai vấn đề quan trọng khác cũng cần thay đổi là việc cử học sinh du học, chính sách trọng dụng nhân tài và giáo dục đào tạo đủ năng lực vận dụng và tay nghề.

Theo ông Lâm, người được chọn cử đi du học phải là người có năng lực thực sự, có trình độ ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu, có ý thức dân tộc chứ không phải người có quan hệ, con ông cháu cha. Như vậy học sinh sẽ du học đúng nghĩa chứ không phải "đi du lịch".

Bên cạnh đó, chính sách thu hút nhân tài phải được chú trọng hơn. Không ít du học sinh với bằng tiến sĩ, thạc sĩ trở về nhưng không có vị trí làm việc với mức lương tương xứng. Điều này dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám qua các công ty nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Ông Lâm đặt vấn đề: một tiến sĩ ở Pháp về công tác tại trường đại học với mức lương khoảng 4 triệu đồng, họ sống bằng gì? Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng, làm sao ngành giáo dục thu hút được người tài?

Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý là hướng đến nền giáo dục mang tính thực tiễn cao. Hiện nay, chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 29,6% so với chuẩn quốc tế, chất lượng đội ngũ khoa học cũng chỉ đạt 23% so với chuẩn quốc tế. Trong khi đó, mới chỉ có gần 30% lao động được đào tạo nghề trong khi bình quân khu vực là 50%.

Theo tuoitre