Nguyễn Đình Tôn Nữ đang học ĐH Harvard (Mỹ) - ẢNH: T.N

Bài luận thể hiện vốn sống được đánh giá cao

Nguyễn Đình Tôn Nữ, cựu học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường chuyên Amsterdam - Hà Nội, hiện đang học ĐH Harvard (Mỹ). Tôn Nữ giành được suất học bổng toàn phần trị giá 78.000 USD/năm vào năm 2017. Ngoài Harvard, Tôn Nữ cũng trúng tuyển vào Trường ĐH Williams và ĐH Swarthmore, những trường nằm trong tốp ĐH tốt nhất của Mỹ.

Tôn Nữ cho biết: “Để nộp hồ sơ vào những trường ĐH này, em đã chuẩn bị những giấy tờ như bảng điểm, điểm thi SAT và TOEFL, bản tự mô tả các hoạt động ngoại khóa, một bài luận về bản thân. Bảng điểm của em không hề “đẹp”, vì thế em đã tự viết thêm một bài luận để giải thích tại sao, và em nghĩ đây chính là một điểm nhấn trong hồ sơ của em khiến em tạo được ấn tượng. Em cũng trải qua một buổi phỏng vấn nữa”.

Theo Tôn Nữ, bài luận của cô viết rất đơn giản, không cầu kỳ, nhưng viết bằng tất cả trải nghiệm của chính cô trong quá trình học tại trường THPT và các hoạt động ngoại khóa. “Điều làm cho bài luận trở nên thu hút có lẽ là do chính những trải nghiệm đó của em mang lại. Em tham gia khá nhiều hoạt động ngoại khóa và công tác xã hội. Điều đó giúp em có thêm nhiều kỹ năng và cách quan sát cuộc sống. Có lẽ trải nghiệm tạo nên sự khác biệt và được thể hiện tự nhiên qua các bài luận và phỏng vấn của em”.

Trong khi đó, Nguyễn Đỗ Phương Uyên, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú (Hải Phòng), cũng được 9 trường ĐH của Mỹ cấp học bổng nhờ bài luận về khả năng lãnh đạo của bản thân và những kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, phát triển các kỹ năng mềm. Hiện Phương Uyên đang học tại ĐH Dickinson.

Theo Uyên, sự mới lạ và thích hợp sẽ làm nên một bộ hồ sơ ấn tượng, điểm số chỉ là một tiêu chí. “Các trường ĐH ở Mỹ có thể không chọn ứng viên giỏi nhất nhưng họ sẽ chọn ứng viên phù hợp nhất, mang cái tôi riêng biệt nhưng cũng có những điểm hòa hợp, tương đồng với mục tiêu phát triển của nhà trường. Hồ sơ của em không chỉ tập trung vào thành tích học tập trên lớp, mà còn nhấn mạnh khả năng lãnh đạo, sự trưởng thành của em trong những tháng ngày hoạt động ngoại khóa cũng như những khó khăn khi bắt đầu lãnh đạo các câu lạc bộ”, Uyên chia sẻ.

Chọn người phù hợp quan trọng hơn điểm số cao

Nguyễn Thanh Lâm Thi (đang học cao học tại Trường ĐH San Jose State, Mỹ) cho hay tiêu chí tuyển sinh nhìn rõ nhất của các trường ĐH Mỹ là xem xét học sinh đó có phù hợp với trường hay không, và khi vào học thì trường có giúp sinh viên phát triển được năng lực hay không, thông qua các bài luận và việc mô tả quá trình hoạt động của bản thân.

“Họ so sánh ước mơ của các thí sinh, ai mơ lớn hơn, hay hơn thì có khả năng trúng tuyển cao hơn. Họ xem rất kỹ từng hồ sơ, gồm bảng điểm, các hoạt động xã hội, và cả bài luận mà ứng viên viết về bản thân, với cách đánh giá cân bằng mọi thứ chứ không theo một barem nào, cũng không quy định tiêu chuẩn điểm phải bao nhiêu, hoặc nếu có thì vẫn có thể linh động”, Lâm Thi cho biết.

Chia sẻ thêm về việc xét tuyển ĐH nếu chỉ căn cứ duy nhất vào điểm số, Nguyễn Đình Tôn Nữ nhìn nhận điểm số hầu như không phản ánh được đầy đủ năng lực của người học. “Để đánh giá toàn diện hơn, thì phải căn cứ vào nhiều tiêu chí. Từ câu chuyện của bản thân, em nhận thấy xét tuyển ĐH ở Mỹ, trong đó có việc cấp học bổng, thì người giỏi nhất về điểm số chưa chắc đã được chấp nhận, mà phải là người phù hợp với họ và có những trải nghiệm tạo nên sự khác biệt để gây ấn tượng”, Tôn Nữ nhận định.

Theo thanhnien