Khuôn viên chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là chùa Vĩnh Trường có một lịch sử xây dựng nhiều thăng trầm và trải qua nhiều đời thay đổi, tôn tạo. Điều đặc biệt của chùa Vĩnh Tràng chính là được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu, đó là Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Tuy nhiên, kiểu kiến trúc điêu khắc cốt lõi vẫn mang đậm truyền thống của người Việt.

Sư thầy Thích Huệ Pháp tu tại chùa Vĩnh Tràng chia sẻ: “Nét đặc trưng của chùa là Đông Tây kết hợp. Đây là khu chánh điện, đặc trưng của phương Đông, có liễn, đối, hoành phi. Từ bên ngoài nhìn vào, chúng ta thấy những ngọn tháp giống như đền Ăng co-vát, Ăng-co-thom ở bên Campuchia. Tại phòng khách, kiến trúc ở thời Pháp thể hiện ở những hoa văn chạm trổ mang đậm kiến trúc phương Tây. Gạch men nhập từ Italia có chất liệu tốt, hơn 100 năm nhưng màu sắc rất rực rỡ”.

Chùa Vĩnh Tràng được thiết kế theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau gồm tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu với tổng diện tích khoảng 14.000 m2. Phía trong gian chánh điện và nhà tổ làm theo kiểu của người Hoa nhưng vẫn giữ nét kiến trúc Việt Nam. Nối giữa hai gian này là khoảng không gian có hòn non bộ ở giữa. Cách bài trí khung cảnh thiên nhiên nơi đây với cây cổ thụ rợp bóng, ao sen nên thơ mang đậm bản sắc Việt. Chẳng thế vào những ngày rằm hay mùng 1, chùa Vĩnh Tràng luôn thu hút du khách đến hành hương.

Chị Lê Thị Bích Hường, một du khách là Việt kiều ở Ý cho biết: “Tôi rất ấn tượng với kiến trúc của ngôi chùa này. Ngôi chùa mang nét kiến trúc của nhiều nơi, phương Đông cũng như phương Tây, kết hợp rất đẹp mắt. Nhưng dù nói gì thì nói, dù có du nhập văn hóa của nước ngoài nhưng nhà chùa này vẫn giữ được nét đẹp nhất ở phía bên trong nhà chùa”.

Đến với chùa Vĩnh Tràng, du khách còn được chiêm ngưỡng hơn 60 bức tượng Phật với đường nét đầy tinh tế được làm bằng gỗ, đồng, đất nung. Những bức tượng đồng Quan Âm, Phật Di Đà, Thế Chí được đúc từ thế kỷ 19, đi kèm với bảy bộ bảo lam in hình Bát Tiên, Mặt Trăng và Mặt Trời. Đây được coi là bảo vật vô giá của Vĩnh Tràng tự. Đặc biệt, trong khuôn viên Chùa còn có bức tượng Phật Di Lặc cao 24m nổi bật trên nền trời tạo cảm giác yên lành, thanh thản cho du khách.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phước, hướng dẫn viên du lịch tại chùa Vĩnh Tràng bổ sung thêm: “Điều đặc biệt là những tượng Phật được tạc trong đây, thường chúng ta vào chùa sẽ thấy tượng Phật hoặc Quan Âm, hay Bồ tát, nhưng vào trong chùa này các bạn có thể thấy, có thêm nữa là Diêm Vương, và Thượng đế... Người ta đều tạc và thờ trong ngôi chùa này. Đây là một trong những cái mình thấy đặc biệt ở ngôi chùa này. Sở dĩ như vậy là vì người ta muốn giữ lại tất cả những gì của Nam Bộ để đưa vào trong chùa”.

Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận chùa Vĩnh Tràng là tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục "Chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa Việt". Với kiến trúc độc đáo đầy tính nghệ thuật, người dân miền Tây Nam bộ đến đây không chỉ để ngắm nhìn một ngôi chùa lớn mà còn đến để gửi gắm những ước vọng của cuộc sống và trải mình trong một không gian an yên, thanh tịnh./.

Theo Quehuongonline.vn