Trái cà na xinh xắn

Không hẹn mà gặp, tầm tháng 4 nắng bắt đầu kéo về là các loại cây quả chua xum xuê treo lủng lẳng trên cành. Ở miền Tây quê tôi, hầu như nhà nào cũng có vài ba cây cốc, cây me hay cây cà na ở sau vườn vừa để che mát, vừa cho trái. Trái nhiều thì mang đi bán, trái ít thì được bọn trẻ chúng tôi hái để "giải khát" lúc thèm thuồng. Trái cây chua quê tôi không xịt không phun, đảm bảo an toàn cho cả tụi con nít.

Hồi đó ở quê tôi, đất đai chưa được cải tạo, cây hoang cứ ở đâu mà mọc lên tua tủa. Từ đầu đến cuối làng đi theo con đê cặp mé sông quê có hàng trăm cây quả chua cao lớn che rợp con đê. Đó là những cây xoài, cây ổi, cây cà na tự mọc. Chúng tôi gọi chúng là "của chung", bởi bán cũng chẳng được bao nhiêu nên chủ nhà cũng ít khi ngó ngàng đến nó. Chớm hè, trái cây vừa già, thích hợp nhất khi được ăn chua kèm với muối ớt bỏ túi mang theo.

Me "dốt dốt" ngon tận chân răng


Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi dăm ba đứa hẹn nhau đi dọc theo con đê quen thuộc để tìm trái cây chua. Trước khi đi, tôi là người được phân công đâm một chén muối ớt thật cay mang theo để ăn tại chỗ. Đi một đoạn gặp cây xoài, một đứa trong nhóm nhảy tót lên cây hái vội vài ba trái mang xuống. Xoài sống đập vỡ ra phân thành từng miếng nhỏ chấm muối ớt ngon thấm lòng. Xoài chua ngon nhất là khi chấm với nước mắm đường, chua chua ngọt ngọt hòa quyện với nhau ngon đến tận chân răng.

Chùm ruột chấm muối ớt

Hồi đó, ở xóm tôi có cây cóc nhà bà Sáu, thân cây cao lớn mang đầy những trái trông phát mê. Cóc non không cần gọt vỏ, cầm nguyên trái cóc chấm với muối ớt đưa vào miệng ngấu nghiến thật đã thèm. Bà Sáu hiền lành, khi thấy bọn trẻ leo cây cao quá, bà chống gậy ra bảo chúng tôi xuống gốc cây. Bà lấy một cây sào đưa cho tôi bảo rằng, dùng sào hái cóc mà ăn để không may leo cây bị té. Chỉ chờ có vậy, tôi dùng sào đập mấy phát cóc văng xuống đất tứ tung. Chúng tôi nhặt cóc gom lại góc cây rồi "xử" luôn tại chỗ.


Cóc non cũng là một trải nghiệm "chua" thú vị


Điểm đến cuối cùng của chúng tôi trong cuộc "săn" trái cây chua kết thúc tại đầu làng nơi có cây cà na cổ thụ. Tôi nghe nhiều người kể lại, cây cà na này có từ lâu lắm, từ lúc chúng tôi chưa được sinh ra. Dáng cây nằm nghiêng, tán xòe ra mát rượi. Cây cà na thân xù xì, lá xanh tươi mang đầy những trái. Thú vui của chúng tôi là leo lên cây hái cà na, ngồi trên cành cây rồi thưởng thức vị chua đặc biệt của từng trái cà na xinh xắn. Trái cây chua khi ăn kèm với những tiếng hít hà bên những câu chuyện vui, tiếng cười nói vang vang làm náo động cả một góc quê yên tĩnh.

Đã qua bao nhiêu năm, những cây xoài, cây cốc, cây khế dọc con đường đê quê tôi nay đã không còn. Con đường đất năm xưa nay đã bê tông hóa, xe hai bánh có thể chạy vào tới tận cuối xóm làng. Cùng với sự phát triển của quê hương, những ngôi nhà khang trang đã mọc lên cặp con đê thân thương năm ấy. Các loại cây quả chua không còn đất sống, phải nhường chỗ cho những ngôi nhà hay những hàng cây đặc sản tươi tốt cặp mé sông quê. Và lũ trẻ của chúng tôi cũng vậy, bọn "con nít" ngày nào giờ hầu hết đều xa quê lập nghiệp ở phương xa. Những lần đi "săn" quả chua của chúng tôi cũng đã lùi xa vào ký ức của mỗi người. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi mang những câu chuyện năm xưa ra kể mà thấy "thèm" cái ngày xưa quá!

Trời chớm hè, các loại trái chua được bày bán la liệt khắp nơi, tự dưng tôi thấy thèm trái cốc, trái xoài, trái cà na trên con đê thân thuộc ấy. Nhớ lắm cái cảm giác ngồi vắt vẻo trên cây cà na đầu làng cùng chúng bạn hít hà khi đưa trái cà na vào trong miệng. Cây cà na đầu làng tôi thì vẫn còn đó, dáng nghiêng nghiêng vững chãi tỏa bóng râm mát cả một góc quê. Chỉ có điều, đám trẻ chúng tôi thì đã xa quê không còn tụm năm tụm ba như ngày nào…


Theo Người Lao động