Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Châu sinh năm 1356, quê ở xã Bảo Lộc (nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Bà là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công sống vào thời nhà Trần. Bà được cha mẹ nâng niu đặt tên Nguyễn Thị Bích Châu, tự là Bích Lưu với ý nghĩa con gái của ông bà qúy giá, xinh đẹp sánh với châu ngọc, lưu ly ở trên đời.

Thiếu thời, nàng Bích Châu sớm nổi tiếng thông tuệ, giỏi văn chương thi phú, thạo âm nhạc. Có thể nói bà là người tài sắc vẹn toàn, tinh tế trong đám nữ lưu.

Càng lớn, nhan sắc nàng Bích Châu càng diễm lệ, lại có một khối óc nhận xét rất tinh vi, xuất sắc. Năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi, sống tại kinh thành Thăng Long, lúc đàn ca, khi ngâm vịnh, được nhà vua rất đỗi thương yêu, sủng ái, phong làm ái phi, thường gọi ái phi Bích Lưu hay ái phi Bích Châu.

Sống bên cạnh nhà vua, bà vừa là ái phi dịu hiền, vừa là bậc cận thần giúp vua nhiều kế sách trong việc trị nước an dân. Thấy chính sự đất nước rối ren, vua tôi tranh nhau quyền lực, thấy rõ sự khủng hoảng của nhà Trần ngày càng nghiêm trọng, bà dâng “Kê minh thập sách” – Mười kế sách trị nước an dân.

"Kê minh thập sách" của Nguyễn Thị Bích Châu ngắn gọn, súc tích, bao quát hầu khắp các vấn đề quốc gia đại sự:

1 - Bền gốc nước trị kẻ bạo tàn cho lòng dân được yên.

2 - Giữ đúng quy định, xoá bỏ phiền nhiễu thì triều cương không rối.

3 - Trị kẻ lạm quyền tránh hoạ ngầm cho nước.

4 - Đuổi hết bọn tham nhũng cho dân đủ sống.

5 - Chấn chỉnh học hành, lễ nghĩa cho sáng tỏ đất trời.

6 - Mong nghe được lời nói thẳng, mở rộng cửa ngôn luận như mở rộng cửa thành.

7 - Chọn quân thì nhằm vào dũng lực, không nhằm vào vóc dạng cao lớn.

8 - Chọn tướng thì nhằm vào tài thao lược không nhằm vào thế gia.

9 - Vũ khí cần sắc bén không cần trang trí sặc sỡ.

10 - Tập trận thì cần chỉnh tề, chặt chẽ chứ không phải giở trò múa may cho đẹp mắt.

Xét mấy điều ấy rất thiết thực. Dám dâng lên tấm lòng trung thực, mong nhận cho lời nói quê mùa. Bỏ điều dở mà làm điều hay, xin bệ hạ lượng nghĩ. Nước được trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy!".

Khi bài viết được dâng lên, Trần Duệ Tông đã phải thốt lên: "Không ngờ một người đàn bà lại thông tuệ đến thế! Thật là một Từ phi (vợ Đường Thái Tông) ở trong cung của trẫm vậy!"...

Năm 1376, nhà Trần bị quân Chiêm Thành gây hấn quấy rối. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: Năm 1376, quân Chiêm Thành đến cướp Hóa châu. Vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho các quân sắm sửa khí giới, thuyền chiến để chuẩn bị việc thân chinh Chiêm Thành. Lúc đó, nội trị chưa yên, dân binh khốn khó, các cận thần can gián vua không nên đích thân chinh chiến nhưng vua không nghe.

Bích Châu liền viết tờ biểu khuyên vua rằng: "Trị đạo: trước gốc, sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn; trị rắn dùng mềm, dùng người xa lấy đức... Ðó thật là thượng sách, xin xét đoán cho minh". Tuy vậy, tháng 10 năm đó, đích thân vua làm tướng, từ Thăng Long mang 20 vạn quân tiến vào Thanh Hóa, Nghệ An.

Cổng vào đền thờ.

 

Để trọn đạo vua tôi và ơn nghĩa vợ chồng, Bích Châu xin theo vua hành quân để hộ giá. Việc vua Trần Duệ Tông nam chinh và cung phi Bích Châu theo hầu xa giá đã để lại những giai thoại xúc động trong sách xưa và trong tâm thức của người dân Việt.

Chuyện kể rằng, năm ấy, vua Duệ Tông cùng quân lính tiến thẳng đến cửa biển Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì bị sóng to gió lớn, không vượt qua được. Đêm ấy, nhà vua nằm mơ thấy một vị thủy thần nói rằng phải ban cho một người thiếp thì sẽ làm cho bể yên sóng lặng. Sáng hôm sau, cửa biển Kỳ Hoa sóng to gió lớn, thuyền vua cơ hồ sắp lật. Nhà vua kể lại chuyện giấc mơ đêm qua.

Nghe xong, nàng Bích Châu chứa chan nước mắt, quỳ trước mặt vua tâu rằng: "Cái nguy sóng gió kia, chứng nghiệm đã báo trước. Nếu không phải oan khiên ngày cũ, tất cũng chướng nghiệp ngày nay. Thiếp không dám than luyến hồng hoa, tiếc thân bồ liễu, xin được trả cho xong cái nợ trước mắt kia... Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn nghỉ võ, kén dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, dựng mưu chước lâu dài cho quốc gia. Ðược như thế thì u hồn thiếp  có thể ngậm cười nơi chín suối".

Nói xong nàng liền nhảy xuống biển, sau đó bỗng chốc gió tan, mưa tạnh, đoàn quân lại tiếp tục nam tiến.

Du khách thập phương đến viếng đền.

 

Một thế kỷ sau, vào năm Hồng Đức thứ nhất triều Lê (1470), vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển này, đêm nằm mơ thấy một người con gái hiện về kể lể sự tình bị thủy thần ức hiếp đã lâu, xin nhà vua ra tay cứu vớt. Hôm sao nhà vua bèn viết một tờ hịch lời lẽ cứng cỏi, vạch tội thủy thần, sai thả xuống biển. Một lát sau, bỗng thấy thi thể nàng Bích Châu nổi lên mặt nước, nhan sắc vẫn hồng hào như khi còn sống. Nhà vua bèn sai chôn cất nàng theo nghi thức Hoàng hậu, sắc phong là Chế Thắng linh thần và sai dựng đền thờ cúng. Xúc động về chuyện đó, nhà vua còn làm một bài thơ đề ở đền thờ nàng.

Ðề xong, vua chỉnh đốn quân đội lên đường. Quân đi đến đâu đánh thắng đến đấy. Trên đường trở về, đến đền thờ Chế Thắng, hồi tưởng việc xưa, ngẫm tới chuyện nay, vua Lê Thánh Tông ngậm ngùi than rằng: "Quốc gia hưng vượng tất có điềm lành, quốc gia suy đồi, tất có điềm dữ. Ðiềm lành hay điềm dữ, thật có liên quan đến đức của ông vua tốt hay xấu".

Ðền thờ của Nguyễn Cơ Bích Châu được lập từ thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), được sửa sang, tôn tạo qua nhiều thời kỳ, nổi tiếng linh thiêng, nay ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày 12/2 âm lịch hàng năm được coi là ngày giỗ của bà, dân làng mở hội lớn, khách thập phương đến rất đông. Năm 1991, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Phụ nữ Việt Nam