Chuyên gia về quan hệ và hẹn hò Bela Gandhi, nhà mai mối Nora DeKeyser nghiên cứu trên 20.000 vụ tác hợp thành công đã tìm ra 5 giai đoạn quyết định trước khi bắt đầu hôn nhân hoặc sống chung dài hạn.

1. Giai đoạn lúng túng

Một số cuộc gặp gỡ sẽ phát sinh cảm xúc ngay lập tức, song thông thường buổi gặp đầu sẽ lúng túng, không diễn ra như mong đợi của bạn. "Cả hai bên đều lo lắng, suy nghĩ quá nhiều và sợ lãng phí thời gian cho nhầm người", DeKeyser nói.

Tuy nhiên, DeKeyser khuyên hãy luôn hẹn hò thêm buổi thứ hai hoặc ba bởi vì hầu hết không thể hiện bản thân hoàn toàn trong lần gặp đầu. Sau giai đoạn này, mọi thứ sẽ bớt khó xử hơn và cuối cùng bạn có thể bắt đầu cảm thấy thoải mái khi ở bên người kia. "Chìa khóa thành công lớn nhất là giao tiếp cởi mở", DeKeyser khuyên.

2. Giai đoạn mới yêu

Nếu đã vượt qua được những bỡ ngỡ ban đầu, các đôi sẽ bước vào một trong những giai đoạn thú vị nhất: giai đoạn mới yêu. "Bạn đang bừng sáng như một chiếc đèn chùm. Bạn nhận ra và bị thu hút bởi tất cả những phẩm chất tốt đẹp của đối tác và muốn họ yêu bạn sâu sắc, điên cuồng", Gandhi nói.

Nhưng đôi nào rồi cũng như nhau, cảm xúc mới yêu sẽ nhanh chóng qua đi. "Giai đoạn trăng mật này sẽ tàn phai theo thời gian nhưng tình yêu sẽ lớn dần theo thời gian", DeKeyser nói.

Theo hai chuyên gia, giai đoạn mới yêu là một cảm giác vô cùng hưng phấn, kích thích tình dục và gây nghiện. Còn tình yêu là cảm giác ổn định, sự hợp tác, tin cậy sâu sắc và những giá trị được chia sẻ.

                  Giao tiếp cởi mở với nhau là chìa khóa cho mối quan hệ ngày càng gắn kết. Ảnh: Brides.

3. Giai đoạn không chắc chắn

Yêu có thể dễ dàng nhưng để chuyển sang giai đoạn gắn bó thì không đơn giản. Đây là lúc bắt đầu giai đoạn không chắc chắn của một mối quan hệ. Bạn có thể nghi ngờ tình yêu của mình dành cho người này, thậm chí đặt câu hỏi liệu các giá trị và lối sống của cả hai có tương thích. "Chìa khóa thành công lớn nhất là giao tiếp cởi mở", DeKeyser một lần nữa khuyên.

Trước khi quyết định tiến hay dừng, hãy hỏi đối tác chính xác những gì họ muốn ở một mối quan hệ. "Anh/em đánh giá cao điều gì, muốn sống cuộc sống như thế nào, muốn mối quan hệ như thế nào trong tương lai?". Cả hai phải làm việc lại với nhau để rõ ràng và rành mạch. Những thử thách ở giai đoạn nàythực sự đưa các cặp biết cách hài hòa mối quan hệ đến gần nhau hơn vì đã cùng nhau vượt qua khó khăn và tin tưởng.

Vậy làm cách nào để phân biệt được đâu là thách thức và đâu là mối quan hệ không lành mạnh? "Cách để nhận biết mối quan hệ không lành mạnh là khi cô đơn, bạn không nói với đối tác về cảm giác của mình. Bởi vì bạn chưa đủ cởi mở, chưa đủ tin tưởng hay chính họ không muốn biết cảm xúc của bạn. Hãy nghĩ về lý do và trị từ gốc", Gandhi nói.

4. Giai đoạn thân mật

Nếu bạn và người yêu đã quyết định trở nên nghiêm túc thì đã đến giai đoạn thân mật của một mối quan hệ. Từ này có thể làm bạn liên tưởng đến sự gần gũi thể xác, thực tế nó tập trung vào tính dễ bị tổn thương.

"Đây là khi bạn hiểu người ấy trong con người thật của họ với đầy đủ sự bất an, dễ bị tổn thương, những tật xấu. Bạn yêu họ vì con người họ hiện lên chân thực như vậy", Gandhi giải thích.

5. Giai đoạn gắn kết

Có thể hiểu giai đoạn này là chuyển đến ở cùng nhau, đính hôn hoặc đơn giản quyết định sẽ yêu nhau lâu dài và chung thủy. "Đây là giai đoạn mà bạn nhận ra hai người là tri kỷ. Bạn có thể dành rất nhiều thời gian ở bên họ vì cảm thấy bản thân được tốt hơn và như thể cả hai là một", DeKeyser giải thích.

Mỗi tình yêu là độc nhất và không có một công thức, thời gian nào để xác định bao lâu sẽ đạt đến bước gắn kết này. "Nếu người này khiến bạn thoải mái, tâm đầu ý hợp và thích bên nhau thì đó có vẻ là một nền tảng tốt để tiến tới nghiêm túc", Gandhi phân tích.

Theo vnexpress