Minh họa

Hình ảnh người mẹ trong Mùa sương thương mẹ gần gũi vô cùng. Đó là người mẹ tảo tần, dịu dàng và ấm áp. Là nơi mỗi đứa con trở về sau bao giông bão của đời người, khi mẹ hiện ra trong căn bếp nghèo nhưng đầy yêu thương (Căn bếp yêu thương), trong bài học về những bông hoa cát (Mơ về hoa cát)... Mẹ lúc nào cũng khiến mỗi đứa con cảm thấy được ôm trọn trong tấm lòng rộng mở.

Mùa sương thương mẹ còn nhiều bài viết ngắn thể hiện những rung động, bâng khuâng trước những kỷ niệm ấm áp của thời thơ bé với những ngày cùng chúng bạn đi câu tôm (Mùa câu tôm), những chiếc tò he đầy màu sắc sặc sỡ được bà, được mẹ mua ở chợ phiên (Tò he thơ bé), những quả nhót chua chua ngọt ngọt ăn cùng lũ bạn (Nhót chua nhót ngọt)...

Biết bao nhiêu rộn ràng tuổi thơ ở trong vòng tay mẹ cứ thế ùa về trong một dòng hoài niệm đẹp đẽ. Những ngày xa nhà trở về nhìn cha mẹ vất vả nắng mưa, mái tóc đã điểm sương, lòng bỗng quặn lại. Nhìn cái Tết nghèo lại ngậm ngùi, đến mùa lũ về lại thảng thốt, lo âu... Dẫu thế, trong vùng ký ức xanh rượi ấy, nỗi buồn cũng trở nên nhẹ nhõm lạ lùng.

Tác giả Phan Đức Lộc còn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X. Tập tản văn viết rất đỗi chân thành, giản dị bằng ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn thi vị, bảng lảng như sương nhẹ mùa thu. Giọng văn vừa hồn nhiên, vừa lãng đãng ấy của Phan Đức Lộc dễ dàng dẫn dắt người đọc nương theo những cung bậc cảm xúc. Mùa sương thương mẹ cũng dễ chạm vào tâm tư sâu kín, khiến độc giả cảm động.

Giữa dòng đời tất bật này, đôi lúc một cuốn tản văn không quá dày vẫn đủ đầy cảm xúc để người ta lắng lòng.

Theo Doanh nhân Sài Gòn