Buổi sáng, nhìn những cây mình trồng trên sân thượng xanh tốt, tự nhiên thấy lòng xao xuyến. Cây cối là thước đo con người. Mình sống như thế nào, thì cây cối mình trồng sẽ như vậy. Tôi đã nhiều lần quan sát những cây ăn quả trong vườn nhà anh Nguyễn Khoa Điềm ở Vĩ Dạ - Huế, do anh tự trồng và chăm sóc. Cây thật sự xanh tốt, nhiều cây đã ra hoa và cho quả. Đó là hạnh phúc. Không ai vĩnh cửu ở cõi đời này, nhưng cây cối sống lâu hơn chúng ta, bất chấp cả biến đổi khí hậu. Mà cây cối là sinh thể, nó có tâm hồn, điều này khoa học đã chứng minh. Rất nhiều lão nông ngày trước đã hàng ngày tâm sự với cây cối. Và cây hiểu, có khi còn sâu sắc hơn cả người hiểu nữa. “cây ùa đến đón ta như đứa trẻ hân hoan”, trong một bài thơ viết về “Cây Matxcơva” năm 1985, tôi đã thể hiện được sự hứng khởi cao độ của mình khi đi dưới những đường cây thành phố Matxcơva vào mùa xuân:

cây ùa đến đón ta như đứa trẻ hân hoan
cây tha thướt bên đường như thiếu nữ
cây trầm mặc trang nghiêm như nhà thờ cổ
cây ngời sáng long lanh như hồi chuông

(Cây Matxcơva)

 

Chỉ một cái cây thôi, nhiều khi nó còn thuyết phục ta hơn một bài diễn văn hùng biện. Thiên nhiên luôn là một dàn hợp xướng đa giọng, nó yêu cầu nhà thơ phải là một nhạc trưởng, để có thể nghe được từng giọng, và điều chỉnh nó trong những bè trầm bè cao. Dĩ nhiên, nhà thơ chỉ có thể điều chỉnh dàn hợp xướng ấy trong... thơ, chứ không phải “hô phong hoán vũ” trong đời thực. Sự “vàng vọt” mà ta nhìn thấy hôm nay, cũng ứng ngay vào cây cối. Nhất là cây cối ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Ngẫm cho cùng, mọi biến đổi khí hậu bất lợi của thiên nhiên đều do con người gây ra cả. Con người với lòng tham và sự ngu dốt của mình. Cây cối, cùng với con người, đã trở thành nạn nhân.

Yêu cây xanh nói chung, chứ không phải chỉ yêu cây cảnh, không chỉ yêu những cây có thể bán được tiền. Tôi đã có dịp ngắm nhìn một cây thị cổ thụ 700 năm tuổi ở làng Phước Tích thuộc huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Chỉ nhìn những tầng rễ cây xòa ra, đã mê mẩn. Cây như thế thuộc về nhân dân, và nhân dân không bao giờ bán nó, dù ai trả bao nhiêu tiền. Cây như thế thuộc về trời đất, thuộc về một vùng quê, trở thành niềm tự hào của đất nước.

Ở thành phố Quảng Ngãi, thỉnh thoảng tôi đến uống cà phê ở một quán đặc biệt. Gọi “đặc biệt” ở đây vì giữa quán có một cây cổ thụ, một cây dầu lai có tuổi thọ hơn trăm năm. Dĩ nhiên, không phải anh chủ quán cà phê trồng cây dầu lai này, cây có từ thời Pháp thuộc kia. Nhưng cây dầu lai đẹp tới mức không chỉ khách uống cà phê trầm trồ, mà anh chủ quán đã nhiều lần ngỏ lời muốn làm thủ tục để cây trăm tuổi này được công nhận là cây di sản. Nghe kể, năm 1931, trên ngọn cây dầu lai này đã xuất hiện lá cờ đỏ búa liềm. Đó là thời kỳ những cuộc biểu tình, đấu tranh chống thực dân Pháp dấy lên mạnh mẽ trên đất Quảng Ngãi. Như thế, cây dầu lai này cũng thuộc hàng “lão thành cách mạng” rồi còn gì. Cây xanh cũng biết yêu nước, chứ sao!

Bây giờ, cứ nghe ở nơi nào chặt cây xanh đường phố là người Việt Nam lại chết điếng trong lòng. Nhất là ở Hà Nội và TPHCM, nơi cây xanh đều ở độ tuổi “lão thành”, và nhiều cây xanh trong số đó đã mang trong đời sống của mình những dấu ấn lịch sử và văn hóa. Hơn thế, cây xanh thành phố là những “trang sử xanh” mà những nhà nghiên cứu sử học có thể đọc ra biết bao điều.

Nếu được chọn lựa, tôi thích mình là một cái cây. Một cái cây hiền lành, lơ ngơ, biết hút thán khí và biết tỏa dưỡng khí. Đúng nơi và đúng lúc.

rồi trong mơ ta hóa thành cây
cây nho nhỏ lá xanh cành gầy
đi lang thang trong thành phố hừng đông
khe khẽ rung như một chiếc chuông con

(Cây Matxcơva)

Cây ở đâu cũng là cây. Dù ở Matxcơva, ở Hà Nội, ở TPHCM. Cộng-đồng-cây-xanh trên trái đất này vẫn rì rào trong lặng lẽ. Và vẫn là những người bạn đáng tin nhất của con người. 


Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn