Tối cuối tuần, trong căn phòng trên đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, khoảng 20 đứa trẻ đứng ngồi với dáng vẻ chờ đợi. Bỗng nhiên tiếng nhạc sôi động vang lên, một nam thanh niên mặc áo phông trắng xuất hiện, bước ra vòng tròn giữa phòng, nhún nhảy, lắc người theo tiếng nhạc khi cắm đầu xuống đất thực hiện cú headspin (xoay tròn với đỉnh đầu làm trụ) trong tiếng hò reo không ngớt.

Chàng trai đó là Nguyễn Anh Tuấn, 31 tuổi, người gắn bó với hip hop hơn 10 năm, cũng là thầy dạy của những đứa trẻ đang có mặt trong phòng tập.

Hip hop xuất hiện trong cuộc đời Tuấn từ khi còn là cậu học trò lớp 11 chuyên Lý. Năm đó, khi được xem tiết mục của một nhóm nhảy biểu diễn ngày hội trường, cậu bé mê mẩn hình ảnh vũ công lướt như bay trên sàn diễn với điệu nhảy trứ danh "Moon Walk" của Michael Jackson, Tuấn nổi da gà, chằm chằm nhìn từng cú nhún, bước nhảy. "Sao mà dẻo được như vậy", anh tự nhủ.

Nguyễn Anh Tuấn đã có 10 năm theo đuổi bộ môn hip hop. Tâm niệm của chàng trai này là "Nhảy múa thực sự đáng quý, giúp bản thân trưởng thành và làm cho cuộc sống đẹp hơn". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về nhà, cậu học sinh 17 tuổi sục sạo Internet tìm lại điệu nhảy để học theo. Sau một tuần, cậu đã di chuyển được những bước cơ bản và mạnh dạn đăng ký biểu diễn trước lớp rồi toàn trường. Tiếng vỗ tay, cổ vũ không ngớt cùng những lời thán phục làm Tuấn sung sướng. Kể từ đó, những điệu nhảy "ngấm vào máu" cậu. Chỉ cần được yêu cầu, Tuấn đều nhảy hết mình, bất kể trong lớp hay quán nước, dù ở trên sân khấu trải thảm hay sàn bê tông bỏng rát những ngày hè.

Lên đại học, Tuấn theo ngành công nghệ thông tin. Với đam mê nhảy hip hop, bước chân vào giảng đường, anh thành lập câu lạc bộ nhảy và biểu diễn giao lưu nhiều nơi dù không có thầy dạy, chỉ học theo các video trên mạng.

Với mong muốn được học hip hop bài bản, cuối năm thứ hai, Tuấn nộp hơn 100 triệu đồng sang Mỹ học nhảy 3 tháng tại một trường nghệ thuật. Mang ước mơ được sang xứ cờ hoa mở rộng kiến thức nhưng bị trượt visa, anh rơi vào trạng thái u uất. Một tháng thức trắng đêm, Tuấn lùng sục trên mạng tìm lớp học hip hop tại Việt Nam. "Muốn học thì cứ ra vườn hoa Lê nin, ở đó có nhiều nhân tài", nhiều người để lại tin nhắn. Từ đó, ngày nào Tuấn cũng lê la ở khu vực này để tìm thầy cho mình.

"Mình không hợp với cuộc sống chỉ gắn liền với chiếc máy tính, mình cần nhiều màu sắc và sự kết nối với con người hơn", Tuấn nhắn tin với bạn thân sau khi được tham quan mô hình làm việc liên quan đến công việc anh đang học trong tương lai, đầu năm thứ ba đại học.

Nhận sự động viên của người bạn, sáng hôm sau Tuấn nộp đơn xin nghỉ học.

Sợ bố mẹ buồn, cả ngày anh chỉ giấu mình trong phòng, chỉ ra ngoài khi tập với nhóm. Ban ngày Tuấn ngủ đến tận trưa, chiều tối tập nhảy ở công viên đến thật muộn khi bố mẹ đã đi ngủ. Nhưng việc bỏ học cũng bị phát hiện.

Mẹ khóc ngất, bố chỉ im lặng hỏi sau này làm gì để sống. "Con sẽ đi học nhảy ngoài lề đường", Tuấn lí nhí trả lời rồi rút về phòng. Tối hôm sau, đợi con đi tập về lúc 12h đêm, bố Tuấn mở cửa phòng, dùng võ quật ngã con trai đo sàn rồi lại lặng lẽ bỏ đi, không nói một lời. Ngày tiếp theo là một đêm mưa gió, mẹ Tuấn cầm ô bỏ nhà đi. Nửa đêm về, người bà ướt sũng, mắt đỏ hoe giọng van nài nhìn con: "Đi học lại nhé. Cái thứ nhảy nhót đó chỉ làm hư người thôi con ơi".

Chưa tìm được đường đi cho mình, lại làm bố mẹ lo lắng, Tuấn tuyệt vọng. Hàng đêm khi chỉ có một mình với bốn bức tường, không ai chia sẻ, anh thường tự làm mình đau bằng những vật dụng tìm được xung quanh. "Mình bỏ học có đúng không. Làm gì tiếp theo đây", câu hỏi thường xuyên giày vò Tuấn. Có thời điểm anh từng nghĩ đến cái chết nhưng lại bừng tỉnh khi nhớ tới giọt nước mắt của mẹ. Năm đầu tiên sau ngày bỏ học, Tuấn gần như cắt đứt sự liên kết của mình với gia đình, dù vẫn cùng sống chung một mái nhà.

Để thoát khỏi trạng thái trầm cảm, đồng thời muốn chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng, Tuấn lao vào tập luyện, ngày 10-12 tiếng. Sau một năm, anh giành giải nhất cuộc thi nhảy hip hop mang tên "Nhiệt" với quy mô lớn nhất toàn quốc. Đưa 3 triệu tiền thưởng - số tiền đầu tiên kiếm được - cho mẹ, bà thở dài quay đi: "Hay ho gì mấy cái thằng đầu xanh đầu đỏ". Tuấn sững người, rụt tay lại, lầm lũi quay về phòng.

Từ "Nhiệt", Tuấn thắng liên tiếp hàng chục cuộc nhảy hip hop tiếp theo, tên tuổi được nhiều người biết tới. Trưởng thành từ những cuộc thi, Tuấn được thầy chỉ định hướng dẫn các bạn nhỏ. Hè năm 2012 khi đang dạy trẻ tự kỷ học nhảy ở vườn hoa Lê nin, một người đàn ông đến trước mặt Tuấn, giới thiệu là Jenny Snell, chuyên đi tìm kiếm nghệ sĩ đường phố Đông Nam Á làm chương trình từ thiện.

"Cậu có hứng thú tham gia dạy nhạy cho những trẻ tị nạn không? Tôi thấy cậu là một người đầy kiên nhẫn với trẻ nhỏ", Jerry Snell hỏi Tuấn. Không suy nghĩ nhiều, thanh niên 23 tuổi gật đầu đồng ý.

Tháng 9/2013, Tuấn đặt chân đến cánh rừng tại Pattaya, Thái Lan, nơi có hàng trăm trại tị nạn. Từ ngày đó, anh chính thức bước vào hành trình rong ruổi đưa những bước nhảy và truyền cảm hứng nghệ thuật đường phố theo chương trình "'Street Art For Street Kid' (Nghệ thuật đường phố cho trẻ em đường phố).

Nguyễn Anh Tuấn trong chuyến đi đến các trại tị nạn ở Thái Lan năm 2018 trong dự án "Street arts for street kids", dạy hip hop và xiếc cho trẻ em nghèo khắp Đông Nam Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi ngày, Tuấn cùng nhóm bạn vượt hàng chục cây số đến các điểm trường, khu tị nạn. Ở mỗi điểm, đoàn sẽ diễn một chương trình dài tầm 40-50 phút, sau đó chia thành các nhóm để dạy trẻ kỹ năng cơ bản như nhảy hip hop, nhào lộn, hề xiếc.

"Đó là những buổi dạy không dùng tới ngôn ngữ. Chỉ có ánh mắt, âm nhạc và trái tim được kết nối với nhau", Tuấn hồi tưởng.

Những gương mặt bừng sáng, những tràng cười ngặt nghẽo của trẻ tị nạn khi được nhảy múa, làm xiếc dường như xóa tan hiện thực nghèo đói, lam lũ trong cuộc sống thường ngày của chúng. Có những trẻ trước đây từng đâm thuê chém mướn hay làm thuê ở những nơi bị đối xử bất công, nhưng khi được xoạc chân uốn dẻo, được nhún nhảy theo tiếng nhạc hay phủi áo làm ngầu giống thầy Tuấn, chúng trở nên rạng rỡ, tươi vui, khác hẳn với gương mặt lầm lì trước đó.

Khi đoàn ra về trên chiếc xe túc túc không kính, lũ trẻ chạy theo kéo tay, gào tên thầy rồi í ới tiếng bản địa. "Tôi vẫn hiểu bọn trẻ nói gì, đó là một loại ngôn ngữ trái tim không cần phải phiên dịch", Tuấn nói, mắt đỏ hoe.

Nhóm nhảy - xiếc từ thiện của Tuấn và bạn bè đã gặp gỡ hàng chục nghìn trẻ nhỏ, trao tặng hàng trăm nghìn suất ăn. Trong 4 năm tiếp theo, ngoài Thái Lan, Tuấn còn rong ruổi đến Lào, Myanmar, Philippines. Những chuyến đi khiến anh nhận ra mình đã có cuộc sống hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người.

"Bởi vậy phải sống sao cho xứng đáng với đam mê", Tuấn nói.

Trở về nhà sau những chuyến đi dài, từ một chàng thanh niên ít chia sẻ cảm xúc, Tuấn biết yêu thương cha mẹ và gia đình hơn.

Anh đã biết mua quà tặng bố mẹ, đưa họ đi ăn, thậm chí nói lời yêu thương không ngại ngần, điều mà trước đây chưa bao giờ làm được. Những cảm xúc tiêu cực dù có cũng được Tuấn buông bỏ, không tự dày vò bản thân như trước.

Nguyễn Anh Tuấn (hàng dưới, ngoài cùng bên trái) cạnh bạn bè khắp nơi trên thế giới cùng tham gia dự án "Street arts for street kids". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sự thay đổi của con trai cũng khiến bố mẹ mở lòng hơn với Tuấn. Không còn lời trách móc, chỉ còn lại sự quan tâm và động viên dành cho nhau. "Dù không khen trước mặt nhưng tôi biết bố mẹ rất tự hào vì những gì tôi đã cống hiến cho xã hội", anh chia sẻ.

Cũng sau những chuyến đi xa, Tuấn nhận thấy dạy nhảy cho trẻ nhỏ chính là con đường sau này của mình. Từ năm 2018, anh truyền cảm hứng cho các bạn trong nhóm nhảy tiếp bước mình, tham gia những chuyến đi đến vùng tị nạn khắp Đông Nam Á. Theo Tuấn, anh muốn xã hội có cách nhìn nhận khác về hip hop, rằng đây cũng là một hoạt động thể chất bổ ích cho nhiều người.

Ngô Tự Huy, một thành viên cùng nhóm nhảy, người được Tuấn giới thiệu thay thế mình cho các chuyến đi ở Đông Nam Á, nói rằng, Anh Tuấn được nhiều người trong đoàn nhắc tới như một huyền thoại, bởi cách truyền cảm hứng cũng như khả năng làm bạn với trẻ nhỏ.

"Anh Tuấn luôn truyền ra một năng lượng đặc biệt. Không chỉ dạy nhảy, anh luôn đan xen bài học cuộc sống vào trong bài giảng, truyền cảm hứng tích cực cho nhiều người", Tự Huy nói.

Trở lại Việt Nam, hai năm gần đây, Tuấn kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ dạy nhảy miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn như ở chân cầu Long Biên hay làng trẻ SOS. Song song với đó, anh mở lớp dạy nhảy thu phí, tạo thu nhập ổn định cho 30 giáo viên trong nhóm nhảy của mình.

Với những thành công đạt được, khi được nhiều học sinh đặt câu hỏi "Liệu có nên bỏ dở đại học để theo đuổi đam mê?", Tuấn khẳng khái: "Nếu thực sự đam mê và chịu trả giá về lựa chọn của mình thì con đường nào cũng sẽ tới được đích".

Theo vnexpress